Thiết kế công trình kháng chấn: Quan trọng nhưng chưa chú trọng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kháng chấn là một thuật ngữ trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, phổ biến ở nước phát triển.

Nôm na, các giải pháp thiết kế đảm bảo cho công trình đủ khả năng chịu lực, ít hư hại về mặt kết cấu dưới tác động của tải trọng động đất. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư dự án cao tầng ở Việt Nam vẫn “thờ ơ” với hạng mục này.
Rung lắc do ảnh hưởng đất đất từ Trung Quốc
Sáng 8/9, cư dân các chung cư cao tầng ở một số quận như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai (Hà Nội) cảm nhận rõ tòa nhà rung chuyển. Anh Mạnh Hà, làm việc tại tòa Zen Tower 12 (Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân) kể lại: Mọi người đang ngồi làm việc, bỗng thấy chóng mặt, quay ra hỏi nhau mới nhận ra có rung lắc, bàn ghế cũng rung khá mạnh. Nhiều người sợ hãi vội vàng di tản xuống tầng 1.
Thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, rung lắc mà những người dân Thủ đô cảm nhận được là do ảnh hưởng của lan truyền chấn động từ một trận động đất xảy ra tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào lúc 9 giờ 31 phút 28 giây sáng 8/9, cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118km.
 Tiêu chuẩn kháng chấn yếu khiến nhiều tòa cao ốc chọc trời đổ ập ngay lập tức. (Ảnh: Một tòa chung cư ở Trung Quốc)
Sau đợt rung lắc này, giới chuyên gia giám định về chất lượng công trình, nhìn nhận, tại các nước có bề dày lịch sử ứng phó với những thiên tai động đất, tiêu chuẩn Xây dựng với vai trò kháng chấn đóng vai trò quan trọng. Đơn cử như Nhật Bản, cứ sau mỗi trận động đất lại dẫn đến những thay đổi trong kiểm soát xây dựng tại Nhật Bản. Năm 1971, việc sửa đổi khẩn cấp của Luật Tiêu chuẩn Xây dựng nêu rõ giảm khoảng cách giữa các mối thép trong các cột bê tông xuống 100mm sau sự thất bại của nhiều cột công trình trong trận động đất trước. Thêm vào đó, Nhật Bản đã rất xuất sắc trong việc chế tạo và lắp đặt hệ thống van điều tiết giảm tác động của động đất trong các công trình. Điều đó có hiệu quả làm giảm độ rung của các vết nứt do thiên tai cho các tòa nhà.
Ngược lại, ở Việt Nam, cụ thể là các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – nơi tập trung nhiều công trình cao tầng, thiết kế kháng chấn chưa tốt và đồng đều. Căn nguyên xuất phát từ tâm lý chủ quan “ít khả năng xảy ra động đất mạnh” ở Việt Nam. Giai đoạn xây dựng thời kỳ 1954 – 1976, với giải pháp kết cấu nhà lắp ghép tấm lớn đã hình thành nên các khu chung cư cũ: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (từ 4 đến 5 tầng); Yên Lãng, Trương Định (2 tầng); Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ (từ 4 đến 5 tầng)… hầu hết không được thiết kế kháng chấn. Thời điểm hiện tại, nhiều công trình dù quan tâm hơn đến thiết kế kháng chấn song cũng chỉ dừng ở mức độ xem xét yếu tố lực tác động mà chưa chú ý đến phương diện năng lượng do động đất truyền vào công trình.
Xem xét đặc biệt khu vực trung tâm
PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khuyến nghị: “Hà Nội hiện nay đã có bản đồ phân vùng về gia tốc nền tức là phân vùng về cấp động đất. Các công trình trên địa bàn cơ bản được thiết kế, tính toán có kể đến tải trọng của động đất và tải trọng của gió bão. Động đất ở Hà Nội chủ yếu ở mức độ nhẹ khoảng cấp 7 và có một vài vùng cấp 8. Dù vậy, với những công trình ở trong các vùng kể trên phải xem xét đặc biệt. Giống như các tiêu chuẩn về an toàn cháy nổ, kháng chấn cũng cần được chú trọng hơn.
Bộ Xây dựng từng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đối với các công trình khi thiết kế chưa tính đến khả năng kháng chấn tại những khu vực có khả năng xảy ra động đất: Chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải tiến hành kiểm tra khả năng chịu lực của công trình thông qua bài toán ngược bằng mô hình toán trên cơ sở các tiêu chuẩn hiện hành về phân vùng động đất và thiết kế kháng chấn. Trên cơ sở đó có biện pháp gia cường nhằm hạn chế các thiệt hại do động đất gây ra. Sở Xây dựng các địa phương thông báo, hướng dẫn các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng gia cường công trình và có biện pháp sơ tán kịp thời khi xảy ra động đất.
Đồng quan điểm, KTS Ngô Bá Loan cho rằng, các công trình cao ốc nên được thiết kế kháng chấn đồng bộ theo hướng hiện đại, đảm bảo hai tiêu chí quan trọng nhất. “Đầu tiên kết cấu phải có khả năng chịu lực lớn trong miền đàn hồi. Thứ hai, đảm bảo kết cấu phân tán năng lượng do động đất truyền vào, thông qua sự biến dạng dẻo trong giới hạn cho phép hoặc các thiết bị hấp thu năng lượng. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt cơ quan thẩm định khi xem xét những hồ sơ thiết kế phải đặt vào trong những vùng địa chất nhất định. Bởi nhiều chủ đầu tư cố tình lảng tránh bởi đầu tư vào những công trình ở khu vực này chi phí rất tốn kém. Với diễn biến thiên tai ngày càng khắc nghiệt, rõ ràng bài toán thiết kế kháng chấn ở các đô thị lớn của nước ta cần được chú trọng đúng mức hơn” – bà Loan phân tích.
Căn cứ bản đồ phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý Địa cầu lập, ở nước ta chỉ có một số vùng thuộc khu vực phía Bắc được dự báo là có khả năng xảy ra động đất cấp 8 (theo thang MSK), chấn động do động đất gây ra tại một số địa điểm vùng Tây Bắc có thể đạt tới cấp 9.