Thiệt trước mắt, lợi về già

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, quy định mới về cách đóng bảo hiểm đang khiến cả DN và người lao động (NLĐ) băn khoăn, lo lắng. Để giải tỏa những khúc mắc này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi trao đổi với TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Theo quy định mới, số tiền đóng BHXH tăng lên đáng kể so với hiện nay, điều này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của NLĐ, nhất là những người có thu nhập thấp, vậy ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Trong quá trình thực thi chính sách an sinh xã hội, các nhà hoạch định chính sách bao giờ cũng gặp phải một khó khăn rất nan giải là cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và lợi ích lâu dài trong thụ hưởng an sinh xã hội của NLĐ. Nếu đáp ứng các yêu cầu về lợi ích trước mắt theo nhu cầu một bộ phận NLĐ thì tương lai chính họ sẽ lại phải đối diện với các khó khăn về dài hạn.
Thiệt trước mắt, lợi về già - Ảnh 1
Về vấn đề tiền lương tháng đóng BHXH cần phải nhìn nhận trên 2 khía cạnh. Một mặt, nhu cầu của NLĐ cần tăng lương, tăng thu nhập là chính đáng. Do vậy, họ có thể có nguyện vọng lựa chọn mức tiền lương đóng BHXH thấp để được hưởng mức lương, thu nhập thực tế cao. Tuy nhiên, nếu mức đóng BHXH của NLĐ thấp thì DN cũng được hưởng lợi nhiều hơn (vì DN đóng trên mức tiền lương thấp đi), và kết cục, NLĐ sẽ hưởng lương hưu thấp đi trong tương lai.

Để giải quyết bài toán nan giải này, tôi cho rằng, giải pháp căn cơ lâu dài mang tính chiến lược là phải tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề cho NLĐ và DN phải đổi mới mạnh mẽ công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh để chuyển đổi nền kinh tế từ tăng trưởng theo mô hình thâm dụng lao động sang mô hình tăng trưởng hiện đại, công nghệ cao, năng suất tổng hợp cao để NLĐ có mức tiền lương, thu nhập cao hơn.

Rất có thể khi áp dụng Luật BHXH mới, DN sẽ cắt xén tiền phụ cấp của NLĐ hoặc cắt giảm NLĐ để giảm tiền đóng BHXH. Theo ông, có cách nào để giảm thiểu tình trạng này?

- Theo tôi, điều này sẽ không tránh khỏi nhưng cũng không phổ biến. Bởi, để sản xuất và kinh doanh, DN vẫn cần có lao động có chuyên môn lẫn lao động phổ thông. Hơn nữa, tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 đã quy định rõ 2 loại phụ cấp, một phụ cấp có tính chất đầu vào sẽ được tính đóng BHXH, đó là khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Các phụ cấp khác gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ và các khoản bổ sung khác sẽ được trả trực tiếp cho NLĐ, chưa phải tính để đóng BHXH. Quy định sẽ giảm thiểu được tình trạng cắt xén phụ cấp của NLĐ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận lao động có thu nhập còn thấp, ngoài ra cũng chia sẻ khó khăn với DN hiện nay để nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.

Với mức thu BHXH như hiện nay đã có rất nhiều DN trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH.

Vậy khi mức thu tăng lên theo quy định mới, liệu có làm gia tăng tình trạng nợ đọng và trốn đóng BHXH không thưa ông?

- Việc tuân thủ pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) là một yêu cầu pháp chế rất bình thường tại nhiều quốc gia. Hơn nữa, trong quá trình hội nhập quốc tế như hiện nay, nhiều hiệp định thương mại tự do đã bổ sung yêu cầu DN phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, an toàn vệ sinh lao động… mới được xuất khẩu hàng hóa sang nước họ. Do vậy, tôi cho rằng, việc điều chỉnh mức đóng BHXH không có tác động nhiều tới việc tăng hay giảm số lượng DN vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Về cơ bản, để giảm tình trạng này cần có các giải pháp để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN như thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý dân sự, hành chính, hình sự hành vi vi phạm pháp luật; công khai, minh bạch việc đóng, hưởng BHXH hàng tháng cho NLĐ, công đoàn biết để giám sát; công khai danh tính của các DN, cơ quan, tổ chức nợ BHXH, BHTN, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan Nhà nước, cộng đồng và từng người dân cùng giám sát.

Tăng mức thu BHXH đồng nghĩa với quỹ BHXH được tăng lên, cơ chế quản lý, thanh kiểm tra quỹ này trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào để tránh việc lãng phí và thất thoát, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng, luật pháp đã quy định hết sức chặt chẽ để đảm bảo kiểm soát, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các cơ chế tài chính trong quản lý, sử dụng Quỹ BHXH để bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ BHXH, vì đây là quỹ an sinh xã hội lớn nhất quốc gia để phục vụ cho các nhu cầu an sinh ngắn hạn và dài hạn của hàng chục triệu NLĐ. Điều 16 của Luật BHXH đã có quy định, hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH và định kỳ 3 năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ BHXH và báo cáo kết quả với Quốc hội.

Theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Quỹ BHXH được kiểm toán đột xuất. Bên cạnh đó, trong thành phần của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam cũng có đại diện của công đoàn và đại diện người sử dụng lao động và nhiều cơ quan, tổ chức khác.

Do vậy, các đại diện này cũng sẽ là cơ chế giám sát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH theo quy định tại Điều 94, 95 Luật BHXH. Ngoài ra, Luật cũng giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý tài chính của BHXH Việt Nam, trong đó có cả quản lý tài chính quỹ BHXH và Bộ LĐTB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực BHXH.

Với quy định NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng sẽ bắt buộc phải đóng BHXH. Nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị chỉ có cam kết bằng miệng chứ không có văn bản. Vậy, theo ông việc mở rộng đối tượng này có khả thi không?

- Đây là một chính sách BHXH bắt buộc mới và sẽ được thực thi từ 1/1/2018. Nhóm lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng thực chất là thuộc khu vực có quan hệ lao động, do vậy, các nước đều quy định phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế của thị trường lao động Việt Nam nên Bộ luật Lao động (2012) đã quy định nhóm này có thể ký hợp đồng bằng miệng hoặc bằng văn bản cho phù hợp.

Đây sẽ là một thách thức trong việc quản lý lao động tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng cũng cần thấy rằng, quy định này thực chất nhằm bảo vệ cho nhóm lao động yếu thế, kỹ năng lao động giản đơn thường bị chủ sử dụng lao động ép buộc để ký hợp đồng “chuỗi” liên tục với thời hạn dưới 3 tháng để trốn đóng BHXH bắt buộc.

Bộ luật Lao động cũng đã “dự phòng” tình trạng “lách luật” này nên tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22 đã quy định nghiêm cấm việc ký hợp đồng dưới 3 tháng trong khi thực tế lại sử dụng NLĐ làm các công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên; đồng thời, ngay cả khi ký hợp đồng 3 tháng lần đầu thì cũng chỉ được ký thêm một lần nữa và sau đó là hợp đồng không xác định thời hạn.

Năm 2018, việc quản lý lao động và quản lý đối tượng tham gia BHXH đã cơ bản hình thành hệ thống dữ liệu điện tử nên tôi tin rằng, mặc dù việc tổ chức thực hiện quy định này thời gian đầu có thể có vướng mắc, khó khăn nhưng chúng ta sẽ phối hợp xử lý vượt qua để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội này cho người dân có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Đến sát thời điểm Luật BHXH mới được áp dụng nhưng vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể khiến cả DN và NLĐ đều lúng túng. Vậy, việc này sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

- Đây đúng là một khó khăn cho DN, NLĐ và cả cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam và trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngay từ khi mới thông qua Luật BHXH vào cuối năm 2014 đã có nhiều cuộc họp đôn đốc các bộ về tiến độ, kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật và ngày 21/12/2015 vừa qua, đã tổ chức họp đánh giá sơ bộ về kết quả thực hiện của các bộ, ngành.

Cho đến nay, vẫn còn khoảng 5 nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành chưa ban hành kịp. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế đã có cam kết về việc sẽ chủ động phối hợp với BHXH Việt Nam để có các hướng dẫn cần thiết, tạm thời trong công tác thu - chi BHXH. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và phối hợp với các cơ quan để xử lý các khó khăn trước mắt này.

Xin cảm ơn ông!