Thiếu điện, nguy cơ dần hiện hữu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn năng lượng tái tạo đang còn nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu điện có thể sẽ xảy ra từ năm 2021 – 2023, đỉnh điểm sẽ là năm 2022. Do đó đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia là một vấn đề khá nan giải cần sự chung tay của rất nhiều ngành.

Thách thức của EVN
Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề: "Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững" do báo Công Thương tổ chức ngày 9/8 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tiết kiệm, đổi mới công nghệ để giảm tiêu tốn năng lượng, thì cơ chế giá cho điện cũng là động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió...
  Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572 - 632 tỷ kWh vào năm 2030. Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2003 - 2018, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất 20.586 MW. Đáng chú ý, nhiều công trình nguồn điện lớn đã đưa vào vận hành vượt tiến độ như: Công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) khánh thành ngày 23/12/2012. Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam như nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Vĩnh Tân 4, nhiệt điện Duyên Hải 1&3 đưa vào vận hành đúng tiến độ đã góp phần quan trong trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam thời gian qua. Đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống dự kiến đạt 47.768MW (tăng 5,41 lần so với năm 2003) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 25 thế giới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn 2016-2020 là 10,3-11,3%/năm và giai đoạn 2021-2030 cũng khoảng 8-8,5%/năm. Việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đang trở thành một thách thức lớn cho ngành điện nước nhà, nhất trong bối cảnh rất nhiều nguồn điện nằm trong quy hoạch đang chậm tiến độ.
Thay đổi tư duy
Nhận định về thực trạng phát triển ngành điện hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trước hết phải giải quyết được những khúc mắc nội tại của ngành điện. Theo ông Thiên, cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, thay vì chỉ đi lo làm sao sản xuất cho đủ nguồn cung, ngành điện cần xử lý ở khía cạnh tiêu dùng, tức là giải quyết vấn đề về giá điện. Đi sâu vào phân tích thực trạng phát triển của ngành năng lượng nước nhà, ông Thiên thẳng thắn, tư duy đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa vào nền tảng sinh tồn.
Lời giải cho bài toán nguy cơ thiếu điện, Việt Nam phải quan tâm đến quản lý phía cầu trong đảm bảo an ninh năng lượng, chứ không chỉ nhăm nhăm đi lo nguồn cung. Theo đó, cách tiếp cận phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ được sử dụng hiện nay đang rất tiêu tốn năng lượng.
Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu và điều này đe dọa đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, hiện Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo điện nói riêng, đảm bảo an ninh năng lượng nói chung, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã quyết định dừng xây dựng các dự án điện hạt nhân nhưng các nguồn điện thay thế cho điện hạt nhân chủ yếu là năng lượng tái tạo còn đang gặp nhiều vướng mắc. “Đến thời điểm này vẫn chưa đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VII, chưa kể phải bù đắp thêm những thiếu hụt của nguồn điện hạt nhân… Nguồn năng lượng tái tạo cũng đang còn nhiều khó khăn cho dù KHCN đang ngày càng hiện đại” – Ông Quân nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2030. Và giai đoạn thiếu điện đỉnh điểm sẽ là năm 2022. Đấy là chưa kể tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể tăng cao hơn so với dự báo của chúng ta. Dự báo, tăng trưởng đến năm 2025 chỉ khoảng 9% và sau năm 2025 là khoảng 8%. Nhưng nếu nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu điện tăng cao hơn; các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện ở hai trung tâm khí lớn là Ô Môn và khu vực miền Trung, ở Dung Quất và Chu Lai đi vào hoạt động chậm thì khả năng thiếu điện còn trầm trọng hơn nữa...