Thiếu i-ốt, hệ lụy khôn lường

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang nằm trong số 19 nước mà người dân có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đây là thực trạng đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại Việt Nam.

 Ảnh minh họa.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, chỉ 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt; còn lại người dân sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh… Các thực phẩm nuôi trồng tự nhiên có hàm lượng muối i-ốt không đáng kể, không thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Ngay tại Hà Nội, đến nay độ bao phủ của muối i-ốt chỉ còn gần 30%, so với tỷ lệ gần 100% ở năm 2005 cho thấy thực trạng sử dụng muối i-ốt trong cộng đồng sụt giảm đến mức đáng lo ngại.
Theo bà Đỗ Hồng Phương - cán bộ chương trình dinh dưỡng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, tình trạng sử dụng muối i-ốt sụt giảm là do Việt Nam đã bãi bỏ quy định trộn vi chất này vào muối ăn từ năm 2005, sau khi thanh toán được tình trạng thiếu vi chất này. Hơn nữa, chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bướu cổ không còn, thiếu ngân sách để cung cấp nguyên liệu i-ốt trộn vào muối… Người dân cũng chuyển dần từ sử dụng muối i-ốt sang các loại bột canh hay hạt nêm.

Các nghiên cứu ở Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã chỉ rõ các thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền trong nước đều có hàm lượng i-ốt không đáng kể, không thể đáp ứng nhu cầu cơ thế. Theo GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, i-ốt được coi là một vi chất cần thiết đối với sự phát triển của đời sống con người. Ngay từ trong giai đoạn đầu của bào thai, cơ thể thai nhi hoàn toàn chịu ảnh hưởng đến việc hấp thu i-ốt của bà mẹ. Vào tuần 12 của thời kỳ thai nghén, thai nhi đã cần i-ốt để tự tổng hợp hoóc-môn giáp để duy trì sự sống. Nếu thiếu i-ốt sẽ gia tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu... ở các lứa tuổi khác có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó, thiểu năng giáp và giảm khả năng lao động và phát triển sức khỏe. Tuy nhiên, các rối loạn do thiếu i-ốt hoàn toàn có thể phòng được nếu được bổ sung đều đặn hàng ngày.

GS.TS Lê Danh Tuyên khẳng định, sử dụng gia vị bổ sung i-ốt trong nấu ăn hàng ngày là biện pháp phòng ngừa thiếu i-ốt hiệu quả và bền vững. Hiện trên thế giới đã có 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung; 69 quốc gia (53%) yêu cầu sử dụng muối i-ốt cho thực phẩm chế biến.

Trước đó, từ năm 2016, Chính phủ ban hành nghị định về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, trong đó quy định bắt buộc muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2017; tuy nhiên thực tế chưa được các DN thực hiện tốt.

Viện Dinh dưỡng khuyến cáo, để tăng cường vi chất cho cơ thể và phòng bệnh, người dân nên bổ sung i-ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày. Nếu không trong tương lai sẽ gây ra hệ lụy khôn lường.
Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2018 (1 - 2/6), với chủ đề “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”. Hơn 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi sẽ được uống Vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại các tỉnh khó khăn được tẩy giun.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần