Thiếu khung pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện đang có nhiều hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp như các tổ chức làm việc trong không gian làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp…

Tuy nhiên, trên thực tế các mô hình này chưa có mã ngành, chưa có đăng ký kinh doanh cụ thể, hay nói cách khác chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn cho các DN khởi nghiệp.
Nhiều loại hình khởi nghiệp chưa được... cập nhật
Theo đánh giá của các chuyên gia, hành lang pháp lý cho vấn đề khởi nghiệp của Việt Nam còn khá mới mẻ và có không ít bất cập cần Chính phủ cởi gỡ. Theo Chủ tịch VIET Management Group Trịnh Minh Giang, đã đến lúc cần chính thức hóa việc dịch chuyển Quỹ đầu tư khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo lên các phương tiện thông tin chính thống, điều này giúp giới khởi nghiệp không chỉ của Việt Nam mà các nước có thể tìm hiểu và trợ giúp cần thiết. Bởi thực tế hiện có nhiều DN vừa là công ty khởi nghiệp, vừa là nhà đầu tư vào DN khởi nghiệp khác nhưng vẫn chưa có những quy định cụ thể. Và trong danh mục đăng ký kinh doanh hiện nay chưa có vị trí dành cho loại hình công ty này. Do đó, Chủ tịch VIET Management Group Trịnh Minh Giang đề nghị Chính phủ hỗ trợ để xây dựng được Nghị định trong năm nay nhằm tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp có thể hỗ trợ DN khác khởi nghiệp.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu đến khách hàng sản phẩm của công ty tại Hội chợ hàng công nghiệp 2017. Ảnh: Công Hùng

Ở một khía cạnh khác, khi nói về vốn hỗ trợ DN khởi nghiệp, CEO của Moca (Ứng dụng thanh toán trực tuyến) Trần Thanh Nam cho rằng, trong lĩnh vực này, mặc dù vốn đầu tư theo khoản vay hoặc trái phiếu DN có thể chuyển đổi nhưng ở Việt Nam, DN khởi nghiệp không được phát hành trái phiếu. Chính vì điều này khiến nhiều DN đã phải tìm cách “lách” luật. Khi ký hợp đồng, theo thông lệ quốc tế phải căn cứ hợp đồng vốn góp, tuy nhiên hiện nhiều DN khởi nghiệp quy định khoản vay chuyển đổi vào hợp đồng khi ký kết giữa hai đối tác. “Nếu DN khởi nghiệp hoạt động tốt trong 3 năm đầu thì Nhà nước nên khuyến khích có các chính sách hỗ trợ về vốn cho DN tiếp tục phát triển. Khi đó DN khởi nghiệp sẽ có nguồn lực vì có chi phí thấp hơn, bù đắp điểm yếu của thị trường lao động” - ông Nam đề xuất và kiến nghị, Chính phủ cần phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DN khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DN khởi nghiệp, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội.
Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo chuẩn
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, Chính phủ nên khuyến khích phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo bằng việc sớm có nghị định về quỹ dành riêng cho loại hình DN này. Bên cạnh đó có thể ban hành các chính sách đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, tạo lập môi trường hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo… từ đó hỗ trợ tối đa và tức thì cho các vấn đề mới, phát sinh trong quá trình phát triển Startup.
“Chính phủ có thể xem xét cho phép thí điểm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh” - ông Chính kiến nghị. Đồng thời, việc thí điểm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho những TP tại Việt
Nam
nên xây dựng theo tiêu chuẩn ISO. Cùng với đó Chính phủ cần xem xét, rà soát các văn bản luật và nghị định; dỡ bỏ những rào cản với DN, đặc biệt là DN tư nhân; tránh bất bình đẳng và tạo ra các giấy phép con mới, tạo cơ chế xin - cho, gây nhiều bất cập và tăng phí cho DN, nhất là DN khởi nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần