Thiếu kiến trúc sư ngành lý luận phê bình kiến trúc

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác thiết kế kiến trúc các công trình cho đô thị đóng vai trò quan trọng và tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của cả một đô thị và cần phải có sự đánh giá phê bình cho các thiết kế kiến trúc, nhưng trên thực tế việc đào tạo các Kiến trúc sư (KTS) cho ngành lý luận phê bình kiến trúc ở Việt Nam vẫn còn thiếu trầm trọng.

Theo PGS. TS. KTS Tôn Thất Đại, hiện nay, công tác lý luận phê bình kiến trúc vẫn còn yếu, đặc biệt là mảng lý luận yếu hơn mảng phê bình. Trên thực tế lý luận kiến trúc có vai trò rất quan trọng, có lý luận thì hướng đi mới đúng, mới có hiệu quả. Công tác lý luận và phê bình kiến trúc hiện nay không xứng tầm với sự phát triển mạnh mẽ của công tác thiết kế và xây dựng trên cả nước.
 Cần đẩy mạnh đào tạo KTS lý luận và phê bình kiến trúc đáp ứng nhu cầu phát xây dựng và phát triển đô thị hiện nay (Hình minh họa)
Ngày nay, vai trò của các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học – công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất đời sống. “Sản phẩm – con người ” mà các trường đại học “cung” phải đáp ứng được yếu tố “cầu” của xã hội cả về lượng và chất. Nhu cầu của xã hội đã không chỉ dừng lại ở các sản phẩm kiến trúc thuần túy đáp ứng nhu cầu công năng, nên lý luận phê bình trở thành một góc nhìn rất cần thiết trong lĩnh vực hoạt động kiến trúc.
Ths. KTS Nguyễn Bích Hoàn – Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, mỗi năm, các KTS ra trường tương đối nhiều, nhưng tình trạng thiếu nhân lực lĩnh vực này và “họa viên kiến trúc” vẫn là vấn đề nóng. Bởi lẽ các KTS không làm tốt được công việc của hoạ viên, mà hoạ viên thì lại không có nhiều cơ sở đào tạo một cách chính quy bài bản. Về mảng lý luận phê bình thì như một vườn hoa khoe sắc, ngoài những nhà nghiên cứu chuyên môn rất bài bản và tâm huyết, thì hầu như trăm hoa đua nở, ai cũng có thể “phê bình” dù có cơ sở lý luận hay không.
Hơn nữa, KTS sau khi tốt nghiệp ra trường có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó hầu như tất cả đều được đào tạo theo một giáo trình, một nội dung, một phương thức. Chưa có cơ sở nào đào tạo một cách chuyên biệt và bài bản cho nhiều hướng hoạt động như thực tế yêu cầu, ngay cả ở lĩnh vực lý luận – phê bình kiến trúc cũng vậy.
Từ đó cần phải nghiên cứu hệ thống đào tạo KTS theo hướng chuyên biệt, sau thời gian đào tạo cơ sở, sinh viên sẽ đi vào giai đoạn được tách ra đào tạo một cách bài bản và chuyên sâu về lĩnh vực mà mình sẽ hành nghề. Ví dụ như quá trình đào tạo chuyên biệt sẽ cho ra đời các KTS thực hành, kỹ thuật viên kiến trúc, KTS chủ trì, KTS nội thất, các KTS chuyên ngành lý luận phê bình, nghiên cứu khoa học…
Để phục vụ cho công tác sáng tác kiến trúc hay chủ trì các dự án, tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu, sẽ là hướng đào tạo chuyên sâu cho các KTS ý tưởng (KTS công trình, KTS quy hoạch, KTS nội thất, KTS phong cảnh…) hay KTS chủ trì, quản lý dự án...
Từ đó cũng sẽ có một hướng đi mới để đào tạo bài bản cho các KTS chuyên ngành lý luận phê bình kiến trúc. “KTS được đào tạo bài bản chuyên ngành lý luận phê bình phải có thềm kiến thức và khả năng sáng tác thiết kế, vì lý luận bao giờ cũng phải đi đôi với thực hành. Công tác đào tạo cần phải đẩy mạnh để có thể bù lấp vào chỗ trống trước tình trạng thiếu KTS về lý luận và phê bình kiến trúc” - Ths. KTS Nguyễn Bích Hoàn nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần