Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu kỹ năng sống khiến trẻ bị xâm hại qua mạng gia tăng

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tội phạm xâm hại trẻ em thời gian qua được đánh giá ngày càng phức tạp. Ngay những tháng đầu năm 2019, tiếp tục ghi nhận nhiều những vụ việc trẻ có dấu hiệu bị xâm hại mà tác nhân chính đến từ mạng xã hội…

TS tâm lý Nguyễn An trong một buổi tập huấn các em học sinh tại Hà Nội.
Mất kiểm soát
Hiện nay, mạng xã hội (facebook, twitter, zalo…) phát triển mạnh mẽ, thậm chí đến mức phổ cập đối với người dân sống tại những TP lớn. Tuy nhiên ngoài tiện ích, mạng xã hội cũng gây ra không ít hệ lụy và đặc biệt nghiêm trọng khi những trẻ trong độ tuổi vị thành niên mất kiểm soát. Do đang ở độ tuổi hình thành ý thức những nạn nhân trong độ tuổi này không chỉ nhanh chóng tin tưởng vào những mối quan hệ “ảo” mà còn bị chính mạng xã hội “ảo” này "sai khiến"…
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm (2013 - 2017), mỗi năm bình quân có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Năm 2018, toàn quốc phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Nơi xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất là Hà Nội (88 vụ) và TP Hồ Chí Minh (77 vụ).

Tính riêng nửa đầu tháng 3, trên địa bàn Hà Nội đã có ít nhất 4 vụ việc cơ quan công an đang vào cuộc điều tra hình sự hành vi xâm hại tình dục tuổi vị thành niên từ những mối quan hệ “ảo”. Theo đó ngày 3/3, Công an huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đưa cháu bé (SN 2005) về nhà sau khi bị đối tượng mới quen trên mạng xã hội là Nguyễn Văn Huy (SN 2002, trú tại huyện Thanh Oai) dụ dỗ lôi kéo bỏ nhà hơn một tuần. Cũng quen trên mạng xã hội, bị hại nữ (SN 2004, trú tại Hà Nội) bị đối tượng Vũ Nhật Long (SN 1996, cùng trú tại Hà Nội) lôi kéo đến ở chung và nhiều lần sinh hoạt tình dục. Công an quận Ba Đình đang củng có hồ sơ, xử lý hình sự đối tượng Long về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Cùng tội danh nêu trên, 6 đối tượng nam (SN từ 1993 - 2001) thông qua mạng xã hội đã lôi kéo một em gái (SN 2005, trú tại Hà Nội) lên tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, các đối tượng đã có hành vi giao cấu với nạn nhân trước khi bị Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ…

Tính chất vụ việc khá đơn giản, các nạn nhân nữ trong độ tuổi vị thành niên sử dụng, quen biết, kết thân đối tượng khác giới trong môi trường mạng xã hội. Thông qua mối quan hệ này, các nữ vị thành niên bị dụ dỗ, hoặc bất cứ nguyên nhân giận dỗi gia đình nào cũng dẫn đến bị các đối tượng xấu lôi kéo, bỏ nhà đi hoang bằng những lời “ảo” đường mật. Và khi cơ quan công an truy tìm, đưa nạn nhân trở về gia đình những người này đều có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Từ những nguyên nhân tưởng chừng “vụn vặt” những nạn nhân này thường bị thương tổn nặng về mặt tinh thần.

Tạo môi trường chia sẻ

Theo TS tâm lý, luật sư Nguyễn An, trẻ trong độ tuổi từ 8 – dưới 16 tuổi phần lớn thường tò mò, nhanh học hỏi về vấn đề tình yêu, giới tính. Mạng xã hội phát triển đã tạo ra một thế giới phẳng thông tin và việc để trẻ học hỏi, tự áp dụng trong thực tiễn theo cảm tính là rất nguy hiểm. Nhìn nhận vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ có con đang ở độ tuổi vị thành niên đã trang bị cho mình và con em họ những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh áp dụng giáo dục bằng biện pháp tạo rào cản ngăn cấm hay giáo dục khô cứng khiến trẻ không tự giác hình thành ý thức đúng đắn. Hơn nữa, việc kiểm soát nếu không khéo léo sẽ khiến trẻ hình thành ý thức phòng bị, che giấu cảm xúc, suy nghĩ với chính cha mẹ mình. Không hiếm trường hợp việc kiểm soát quá chặt khiến trẻ phản ứng mạnh, dẫn đến những hành động nguy hiểm. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên tự đặt mình vào vị trí trẻ nhỏ, làm bạn với con cái để lắng nghe, giải quyết vấn đề tâm lý tuổi mới lớn.

Cùng phương pháp tạo môi trường chia sẻ, hiện nay tại các TP lớn đều có tổ chức những khóa học chuyên sâu về kỹ năng sống theo từng độ tuổi. Tại đây, trẻ được gợi mở, tự mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ riêng về bảo vệ trẻ em, giới tính, tình yêu... “Bộ GD&ĐT đang tổ chức nhiều hội thảo với chủ đề chống xâm hại trẻ nhỏ. Về chủ trương dạy kỹ năng sống, Bộ đồng tình phương pháp “tạo môi trường chia sẻ”, hình thành ý thức đúng đắn cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, cần thời gian thí điểm trước khi đưa vào giảng dạy chính thức” – TS Nguyễn An chia sẻ thêm.