Thiếu liên kết, khó vươn xa

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt khó khăn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý… cũng như việc tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập thực sự là trở ngại lớn đối với 90% DN nhỏ và vừa Việt Nam nếu thiếu sự liên kết.

Điều này sẽ khiến DN thua ngay trên chính sân nhà, chưa nói vươn ra biển lớn.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, để có thể hội nhập kinh tế, điều quan trọng là phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà quản lý, nhà sản xuất và DN. Ông Phạm Thanh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân cho rằng, điều quan trọng là cả DN, nông dân, nhà sản xuất đều phải chủ động tìm đến nhau, trao đổi, thỏa thuận để đi đến những ký kết. “Là một DN có hàng chục năm làm ăn, giao dịch với bà con nông dân tiêu thụ trứng gia cầm, điều mà Công ty Ba Huân luôn coi trọng là chữ tín và tạo ra sự bền vững lâu dài” – ông Hùng nói. Đồng thời cho hay, chữ tín với nhà sản xuất được thể hiện bằng việc thực hiện đúng cam kết và không bao giờ để bà con nông dân chịu thiệt và sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng đảm bảo giá tốt. 

Tham khảo các sản phẩm tại Triển lãm hội chợ sản phẩm công nghiệp địa phương do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/9. Ảnh: Khắc Kiên

Hiện nhiều DN bày tỏ băn khoăn về việc làm sao để sản phẩm của các DN nhỏ và vừa có thể vào được hệ thống phân phối, các siêu thị lớn như BigC, Saigon Co.op… bởi, nếu không vào được những hệ thống phân phối như vậy, cũng đồng nghĩa sản xuất nội địa mãi chỉ nhỏ lẻ manh mún. Chia sẻ một câu chuyện liên quan đến mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà nông và nhà sản xuất, lãnh đạo HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam cho hay, tại Nhật Bản, các DN phân phối và nhà nông kết hợp với nhau bền chặt khi một quả cà chua cũng phải đấu giá. Đến kỳ thu hoạch cà chua, người nông dân chỉ việc chờ DN đến thu mua với giá do chính bà con nông dân đưa ra, thuận mua vừa bán, DN sẽ thu mua và đưa đến nơi tiêu thụ. Khi đó, sẽ không có chuyện tồn ứ và rớt giá nông sản như Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, muốn giải được bài toán tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung ứng, chưa kể đưa hàng ra phân phối nước ngoài, rất cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thương mại. Còn muốn bán đấu giá phải có sàn, muốn mang sản phẩm đến chợ thì phải có đầu mối thu mua. Nhưng hiện nay hạ tầng thương mại của ta đang rất thiếu và yếu. Theo bà Lan, các DN nước ngoài xây dựng một chuỗi phân phối ở Việt Nam thường xác định ngay từ đầu làm trong bao lâu và sẽ làm những gì, song với DN Việt Nam thì phương án kinh doanh, định hướng chiến lược rất mờ mịt, nói cách khác là vẫn tư duy theo lối tùy tiện, thích đâu thì xây đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần