Thiếu nguồn nhân lực chất lượng: Điểm nghẽn kìm hãm công nghiệp hỗ trợ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có không ít chính sách ưu đãi nhưng vẫn còn nặng về gia công và lắp ráp, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất thấp, sức cạnh tranh hạn chế… khiến ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam vẫn chưa phát triển như mong muốn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu đang trở thành “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển.

Nhân lực thiếu và yếu

Hiện, mỗi năm có khoảng hơn 200.000 sinh viên (SV) ra trường nhưng không có việc làm. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc giáo dục chưa gắn với việc làm, và đang thiếu những nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng suất lao động. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, nhiều DN CNHT vẫn than đang gặp khó khăn bởi nguồn lực lao động đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu. “Nguồn lực lao động ra trường hàng năm rất lớn, nhưng DN CNHT vẫn gặp khó khi tuyển dụng, bởi đa phần nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu, hay nói cách khác đào tạo và tuyển dụng vẫn lệch pha đang là trở ngại lớn với DN trong tìm kiếm nguồn nhân lực” - ông Vân nhấn mạnh.
Thực tế, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu đang là trở ngại lớn của nhiều DN hoạt động trong ngành CNHT. Là một DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác chuyên gia công các sản phẩm cho khách hàng trong các khu công nghiệp, đặc biệt là các DN nước ngoài, Tổng Giám đốc PMTT Group Lê Huy Thức thông tin, nhu cầu của DN hiện nay muốn tiếp nhận SV ra trường nhưng phải làm việc được ngay. Trong khi SV được đào tạo ở cấp đại học (ĐH) vẫn thừa, thì nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp hiện nay lại vô cùng khan hiếm, khiến DN rất khó tuyển dụng. Dù đã trực tiếp “đặt hàng” nguồn SV ra trường từ nhiều trường ĐH, cao đẳng (CĐ) và dạy nghề nhưng đến nay vẫn thiếu hụt. “Nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình này ngày càng trở nên bức thiết. Hiện trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam thông qua các trường ĐH, CĐ đang cho thấy sự bất cập, thực sự đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN” – ông Thức chia sẻ.

Trở ngại lớn với doanh nghiệp

Yêu cầu tưởng chừng đơn giản của ngành CNHT là chỉ sản xuất những chi tiết phụ, phục vụ việc lắp ráp hoàn chỉnh các thiết bị, máy móc, đội ngũ kỹ thuật viên không yêu cầu phải có trình độ kỹ thuật cao, mà chỉ cần có kỹ năng tốt và tay nghề đủ đáp ứng công việc..., nhưng đa phần lao động chưa đáp ứng được và đã tạo ra trở ngại lớn cho các DN.

Nhận xét về nguồn nhân lực cho CNHT, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho rằng, nếu đào tạo SV ngắn hạn nhưng khi ra trường để làm việc được ngay là một yêu cầu rất khó, trong bối cảnh người lao động chưa có tay nghề. Các khóa ngắn hạn chỉ dành cho những người đào tạo lại, bổ sung hoặc đào tạo nâng cao. Do đó, để có nhân sự tay nghề cao, DN cần theo sát quá trình đào tạo dài hạn. Nên có sự hỗ trợ thêm, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hay cung cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo theo số lượng người đăng ký học. “Hiện, các trường, các cơ sở chủ yếu vẫn đang đào tạo theo năng lực và khả năng của mình, dẫn đến nguồn lực chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN. Trong khi đó, các DN cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhà trường để yêu cầu đào tạo cái cần, khiến nhiều DN CNHT luôn bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Đó đang là trở ngại lớn với DN CNHT” - TS Phạm Xuân Khánh chỉ ra và cho biết thêm, thách thức vô cùng lớn về nguồn nhân lực khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới là nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ tốt ở các nước sẽ di chuyển vào Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần