Thiếu nhân lực chăm sóc người già, người bệnh

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng già hóa dân số, gia tăng các bệnh mãn tĩnh ở người già đặt ra đòi hỏi cần có các biện pháp trợ giúp thích hợp. Tuy nhiên, hiện nay lại đang thiếu nhân lực chăm sóc người già, người bệnh (CSNG, NB) ở mức báo động.

 Ảnh minh họa
Tại nhiều bệnh viện ở các TP lớn, người nhà bệnh nhân thường phải thuê người chăm sóc với số tiền công khá cao mà lại không có chuyên môn nghiệp vụ. Trước thực tế này, Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH đang phối hợp rà soát, thống kê ở các bệnh viện, trung tâm dưỡng lão để tổ chức đào tạo nghề nhân viên CSNG, NB trình độ sơ cấp.
Mới đây, trong tọa đàm về đào tạo nhân viên CSNG, NB đi làm việc tại Nhật Bản, ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH cho hay: “Hiện đã có 40 trường cao đẳng y tế, 60 trường cao đẳng và 20 trường trung cấp xin phép đăng ký mở mã ngành Điều dưỡng và CSNG, NB. Tới đây, Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế sẽ xây dựng chuẩn đầu ra để các trường chuẩn hóa chương trình, trên cơ sở có tham khảo của các nước tiên tiến”.
Ông Đào Văn Tiến cho biết, ở các trung tâm dưỡng lão tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các nước như Đài Loan, nhân viên CSNG, NB phải biết thực hiện các thủ tục đón người cao tuổi cũng như nắm được các quy định của trung tâm để tư vấn cho người nhà bệnh nhân biết thực hiện. Thứ nữa, nhân viên chăm sóc phải biết sắp xếp nơi ở, thay giường chiếu; hỗ trợ người già đi lại.
Trong trường hợp người già yếu quá thì nhân viên chăm sóc bón cho họ ăn bằng đường miệng hoặc đường xông. Khi người già không thể tắm giặt, nhân viên chăm sóc sẽ đảm nhiệm luôn công việc này, kể cả vệ sinh cơ thể, thay và giặt giũ quần áo, nói chuyện, hỗ trợ sử dụng công cụ giải trí.
Trong quá trình chăm sóc người già, nhân viên chăm sóc phải biết được tình trạng bệnh, theo dõi diễn biến bệnh tật, tâm lý để báo cho người nhà, bác sĩ can thiệp kịp thời và phải biết xử lý những tình huống gấp về cấp cứu.
Do đặc thù công việc CSNG, NB vất vả nhưng bù lại nguồn thu nhập lại khá cao. Nhân viên CSNG làm việc ở trong nước có mức lương tối thiểu 300.000 đồng/ngày, ở nước ngoài người làm điều dưỡng thu nhập trên 1.000 USD/tháng, thậm chí ở Đức trên 2.000 Euro nhưng đòi hỏi rất cao, ngoài kỹ năng thì phải biết tiếng.
Theo ông Tiến, để có thể trụ lâu với nghề, những người chăm sóc người bệnh phải luôn coi người già như bố mẹ mình. Tới đây, khi triển khai việc tuyển sinh đào tạo nghề CSNG được mở rộng, các trường sẽ chú ý đến đối tượng tuổi trung niên, nhất là khu vực nông thôn để mang lại thu nhập cao cải thiện đời sống gia đình.