Thiếu tướng Lê Mã Lương: Chiến thắng huyền thoại mang tầm vóc thời đại

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh, lòng quả cảm của quân và dân ta”.

 Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân Lê Mã Lương
Không giấu được sự xúc động xen lẫn tự hào, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân Lê Mã Lương đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về ý nghĩa thời đại cùng những bài học lịch sử quan trọng nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng huyền thoại này.
Tiền tuyến lo cho… hậu phương

Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình cách đây 45 năm, khi biết tin Mỹ sẽ đưa “pháo đài bay” B-52 vào bầu trời Hà Nội?

- Khi Mỹ đem B-52 ném bom Hà Nội, tôi đang chiến đấu ở “cối xay thịt” Quảng Trị. Dù không bất ngờ, bởi trước đó nhiều năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Nhưng những chiến sĩ ở tiền tuyến không giấu được nỗi lo, bởi đã rất “ngấm” sức tàn phá khủng khiếp từ các trận bom rải thảm của B-52 suốt từ năm 1968 đến 1972 tại Quảng Bình, Quảng Trị. Không chỉ thoáng qua trong một phút, mà một ngày mấy trận, đau đớn vô cùng khi thấy đồng đội nằm xuống, xung quanh bị cày xới hoang tàn. Những cảnh như thế, với người lính hàng ngày cận kề sinh tử đã trở nên quá đỗi “bình thường”, nhưng với hậu phương thì khác. Chúng tôi cứ lo không biết mọi người có kịp sơ tán không, lưới lửa phòng không có đủ bảo vệ khi chưa được thử lửa đáng kể với những vũ khí tối tân Mỹ đưa vào. Rồi việc bố trí trận địa nữa, để lập một lưới lửa phòng không là không hề đơn giản, phải phối hợp nhịp nhàng giữa không quân, tên lửa, ra đa, cao xạ, giữa quân chủ lực và quân địa phương. Tất cả phải rất chi tiết, bởi không cẩn thận, đạn của ta lại bắn vào máy bay mình ngay.

Tuy nhiên, những lo lắng ấy đã “bằng thừa”, khi Hà Nội, Hải Phòng cùng các tỉnh miền Bắc thực sự trở thành nỗi kinh hoàng đối với không quân Hoa Kỳ. T.Ư và Hà Nội đã chuẩn bị tâm thế, thiết lập thế trận và tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất chu đáo, chỉn chu. Qua đêm đầu, những tin tức chiến thắng, đặc biệt là việc bắn hạ “pháo đài bay” B-52 không chỉ giúp chúng tôi vơi đi nỗi lo, mà còn tiếp thêm sức mạnh cho tiền tuyến ở Quảng Trị.

Đã nhiều năm trực tiếp chiến đấu rồi chuyển sang làm nghiên cứu, dưới góc độ chuyên gia quân sự, ông có thể phân tích sâu hơn những yếu tố làm nên chiến thắng huyền thoại này?

- Theo tôi, sự tính toán tài tình của Bác và sự chủ động của T.Ư đã giúp quân ta chủ động các phương án ứng phó. Quyết tâm đánh B-52 từ lời Bác dạy: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay "Bê" gì đi chăng nữa thì ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng". Ngay từ tháng 5/1966, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức cho Trung đoàn tên lửa 238 (Sư đoàn 363) cơ động chiến đấu, trực tiếp nghiên cứu cách đánh tại chiến trường Vĩnh Linh. Trải qua gần một năm vừa hành quân vừa chiến đấu, hai phân đội 81 và 83 thực hiện nhiệm vụ phục kích đánh B-52. Trung đoàn đã tổ chức nghiên cứu tìm hiểu B-52 từ những trận mưa bom để quan sát trực tiếp từ những vệt khói, từ các bài bom nổ để phân tích đội hình bay và chiến thuật hoạt động của B-52. Rồi máy bay Mig cũng được bí mật đưa vào Đồng Hới và Vũ Đình Rạng là phi công đầu tiên hạ gục B-52 từ năm 1971. Đây là những kinh nghiệm cực kỳ quan trọng được quân ta đúc rút để sẵn sàng giăng lưới “bắt” B-52.

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm.  (Ảnh tư liệu)

Tạo thế trận “trên cơ”

Ta đã rất chủ động, kỹ lưỡng, còn đối phương thì sao thưa ông, khi mà nhiều năm sau, các phi công Mỹ vẫn không thể lý giải được vì sao lại thất bại thảm hạ đến vậy?

- Sau thất bại ở đường 9 Nam Lào, rồi đến Lai – nơ – bếch – cơ 1, nhưng quân Mỹ vẫn không rút được kinh nghiệm, vẫn ỉ lại vào các loại vũ khí tối tân, thiện chiến, nhất là B-52 – niềm tự hào của không quân Hoa Kỳ, với tầm bay cao trên 10 cây số, không tên lửa nào có thể “với” tới được. Thất thế cả về quân sự và ngoại giao, nên chúng cho rằng, nếu giải quyết được Hà Nội, Hải Phòng thì sẽ gây được sức ép mạnh lên ta trên bàn đàm phán Paris. Vì thế, đã có viên tướng ngạo mạn tuyên bố sẽ “cho Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Tuy nhiên, bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự quả cảm của quân, dân ta, không quân Mỹ đã thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội. Cho đến bây giờ, dù tên lửa có hiện đại hơn Sam-2 rất nhiều, nhưng vẫn chưa có nước nào bắn rơi được B-52, đừng nói đến hàng chục chiếc chỉ trong 12 ngày đêm như chúng ta.

Không chỉ thắng lợi về quân sự, “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” còn giúp Việt Nam thắng lớn trên mặt trận chính trị, ngoại giao. Ông có thể phân tích rõ hơn về tầm vóc lịch sử, ý nghĩa của chiến thắng này?

- Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã đập tan ý đồ muốn gây sức ép của Mỹ với Việt Nam trên bàn đàm phán Paris. Chiến thắng huyền thoại ấy đã không chỉ tạo ra thế “trên cơ” của ta trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ phải rút quân, mà còn tiếp thêm sức mạnh cho tiền tuyến, là tiền đề quan trọng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, ngoại giao mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt nghệ thuật quân sự. Chiến thắng này đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không, có giá trị thực tiễn vô cùng quan trọng về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng và chuyển hóa thế trận. Những thành công về nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cùng với các chiến dịch khác, chúng ta bắt đầu có thêm một loại hình chiến dịch trong mặt trận đối không. Đây chính là cơ sở để hình thành và phát triển nghệ thuật chiến dịch phòng không chống tiến công đường không hiện đại bằng vũ khí công nghệ cao trong tương lai, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam hiện đại. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của sự kế thừa và phát huy truyền thống quân sự Việt Nam, của đường lối chiến tranh Nhân dân và nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong thế trận phòng không Nhân dân, trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trong Chiến dịch Phòng không năm 1972, mặc dù đế quốc Mỹ huy động lớn lực lượng không quân, với nhiều loại máy bay hiện đại và số lượng lớn máy bay chiến lược B-52, thực hiện hàng nghìn lần xuất kích, ném hàng vạn tấn bom đạn xuống miền Bắc, riêng Hà Nội phải hứng chịu hơn 10.000 tấn bom, nhưng vẫn không khuất phục được ý chí, quyết tâm sắt đá, tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân miền Bắc. Chỉ trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52.