Thiếu tướng Lê Văn Cương: Người đứng đầu công tâm, dân chủ sẽ được phát huy

Trần Hà thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 20 năm thực hiện, quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo ra những động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, không ít nơi dân chủ vẫn chưa thoát được tính “hình thức”.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) - Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu người đứng đầu thực sự công tâm, cơ chế dân chủ sẽ được phát huy đúng và hiệu quả.
Giám sát quyền lực vẫn lỏng
Vừa qua, khi đánh giá lại Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cùng với những kết quả, không ít hạn chế cũng tiếp tục được chỉ ra. Qua thực tế, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện quy chế dân chủ hiện nay?
- Trong những năm gần đây, T.Ư cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược liên quan đến công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Phải nói rằng, từ khi thực hiện quy chế dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân đã được thực hiện tốt hơn, không khí cởi mở dân chủ ở cơ sở được nâng lên. Người dân có quyền biết và kiểm tra nhiều vấn đề. Nên thực tế trong thời gian qua, khi chính quyền cơ sở thực hiện sai vấn đề gì, người dân đều có phản ứng rất kịp thời.
 Thiếu tướng Lê Văn Cương.
Nhưng bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở không đồng đều, rất nhiều xã, phường chưa thực hiện đầy đủ các quy định, nên trong 20 năm vừa qua đã xảy ra hàng nghìn vụ vi phạm quyền dân chủ của người dân mà Nghị quyết Đại hội các kỳ đều đã chỉ ra. Quyền dân biết, dân bàn có chuyển biến nhưng vẫn là hình thức. Như ở cấp phường xã, những vấn đề mang tính dân sinh nhỏ thì đúng là người dân đang được tham gia sâu, nhưng những việc lớn ở cấp trên cơ sở vẫn chưa thực sự đạt yêu cầu. Theo tôi, chủ yếu do cấp ủy chính quyền một số địa phương không nghiêm túc, lơ là, coi thường vấn đề này. Trong đó còn có nguyên nhân gốc rễ nữa là do cấp trên cơ sở, như cấp quận, huyện đã không sâu sát. Thực tế đã chỉ rõ, những quận, huyện nào cấp ủy chính quyền bộ máy trong sạch, nghiêm chỉnh trong chấp hành quy định của Đảng, thì trong toàn địa bàn, không có xã, phường nào vi phạm quyền dân chủ. Với cấp bộ, ngành cũng vậy, nếu cấp trên trong sạch, nghiêm túc, sẽ không xảy ra những vi phạm ở cấp dưới.
Một thực tế cũng được chỉ ra là vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan, đơn vị mượn danh dân chủ để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Ông suy nghĩ thế nào trước vấn đề này?
- Theo tôi, điều này phản ánh dân chủ trong sinh hoạt Đảng không được đảm bảo, dân chủ hình thức. Thực trạng này xuất hiện ở cả cơ sở và cấp trên cơ sở. Như nhìn từ các vụ việc tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ vừa qua hay những vụ việc mới bị T.Ư kỷ luật, đều đã chỉ ra một thực tế vi phạm quy chế dân chủ. Các cán bộ được bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn vượt qua được các vòng theo quy định, trong đó có cả các cuộc lấy ý kiến… Như thế, dân chủ ở đây chỉ là hình thức, phục vụ quyết định chủ quan của một người. Cùng với đó, chính việc giám sát quyền lực lỏng lẻo, cũng dẫn đến quyền lực bị tha hóa, lạm quyền. Tôi cho rằng, đây là những nguyên nhân gây ra mất dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Thực trạng này rất nguy hiểm, rất cần cương quyết chấn chỉnh.
Làm tốt, hiệu quả rất lớn
Vậy theo ông, để khắc phục việc lạm dụng dân chủ, hay dân chủ hình thức, cùng với những giải pháp đã và đang được triển khai mạnh mẽ, cần phải lưu ý đến vấn đề gì?
- Đúng là nếu làm tốt quy chế dân chủ, ở địa bàn dân cư hay đơn vị cũng vậy, sẽ tạo ra sự yên ổn, phát huy được trí tuệ, sự chung tay đóng góp của mọi người vì việc chung, lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Do đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải khắc phục được những yếu kém đã chỉ ra, không chỉ ở cơ sở mà phải từ cấp cao nhất. Theo tôi, có hai chân lý trụ cột là dân chủ trong sinh hoạt Đảng và giám sát quyền lực. Đây cũng là vấn đề Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII và Nghị quyết T.Ư 7 lần này đã đề cập đến. Trước hết, tăng tiếp quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng, phải được định danh, định tính, định lượng cụ thể. Tiếp tục quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, nhưng phải sửa hệ thống chính sách pháp luật hiện hành để có thể quy trách nhiệm cá nhân. Tôi thấy rằng, nên phát huy cách làm một việc một cơ quan chịu trách nhiệm; một cơ quan chỉ một người chịu trách nhiệm. Nếu không làm rõ trách nhiệm cá nhân trong hệ thống luật, sẽ khó quy trách nhiệm cá nhân trong thực tế.
 Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Long Biên.  Ảnh: Thanh Hải.
Đặc biệt, các nghị quyết của Đảng đều đã khẳng định, xây dựng cơ chế để đảm bảo cho người dân được quyền giám sát hoạt động của cơ quan Đảng Nhà nước và cán bộ đảng viên. Nhưng thực tế, cơ chế cụ thể vẫn chưa thực sự rõ nét. Trong khi thực tế, đảng bộ nào gắn bó với dân, dân kiểm tra thì trong sạch. Đồng thời, phát huy vai trò phản biện xã hội của MTTQ, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức với các chủ trương lớn của Đảng, quốc kế dân sinh. Nếu làm tốt, kết quả sẽ rất lớn.
Ông có nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu, đây cũng là vấn đề đã được chỉ ra và coi là yếu tố quyết định việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Vậy theo ông, phải tăng cường vấn đề này ra sao?
- Hiện nhiều đơn vị đang làm tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước với Nhân dân, qua đó đã góp phần giải quyết các khiếu kiện... Thực tế cho thấy, đây là vấn đề cần tiếp tục tăng cường hơn như T.Ư đã quy định. Nhưng như trên tôi đã nói, phải sửa các quy định của luật để xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ quan. Còn nếu không vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chứ không thể giải quyết cơ bản vấn đề. Tôi thấy Nghị quyết T.Ư 7 về công tác cán bộ lần này đã đưa ra những quan điểm rất hay, đó là Bí thư cấp ủy không phải người địa phương; thi tuyển các chức danh lãnh đạo, để tạo cơ chế cạnh tranh. Đó là con đường dài cần đi, nhưng phải làm triệt để, ở cả các vị trí cao và cơ sở.
Cùng với trách nhiệm thực thi quy chế dân chủ của các đơn vị, tổ chức, một vấn đề cũng được quan tâm là làm sao tránh tình trạng người dân lạm dụng quyền dân chủ dẫn đến những hành vi quá khích, thưa ông?
- Theo tôi, điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết của người dân. Nếu người dân không nắm được thông tin, không hiểu biết sẽ dễ bị lôi kéo, như những vụ việc vừa qua. Do đó, việc công khai, minh bạch các nội dung liên quan ở địa phương, cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin là rất quan trọng. Như khi muốn quyết định một vấn đề gì liên quan đến người dân như con đường, dự án…, chính quyền nên có văn bản để người dân nghiên cứu trước. Đó là “dân biết”. Sau đó mới đến “dân bàn” và “dân kiểm tra”. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận, dân chủ mới thực sự được phát huy.
Xin cảm ơn ông!