Thiếu vốn, doanh nghiệp khó phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình hội nhập, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, Việt Nam nên chú ý xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) vì đây là vấn đề rất yếu của khu vực kinh tế này.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ DNNVV, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được Bộ KH&ĐT xin ý kiến hoàn thiện là một bước tiến chính sách lớn đối với khu vực DNNVV Việt Nam. Về những chính sách và cơ chế hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản, ông Hiroshi Arai - Trưởng phòng Hỗ trợ Kinh doanh nước ngoài, Cục DNNVV Nhật Bản (METI) chia sẻ: “Các chính sách hỗ trợ cho DNNVV của Nhật Bản được triển khai ở nhiều tầng. Cụ thể, về hỗ trợ dự toán, các DN này được hỗ trợ bởi 28 khoản dự toán ban đầu, 27 khoản dự toán điều chỉnh và 27 khoản dự toán dự phòng với tổng số vốn khoảng 260 tỷ Yên” - ông Hiroshi Arai cho biết. Đồng thời, cho rằng, về hỗ trợ tài chính, các DNNVV Nhật Bản được hỗ trợ dòng vốn qua tín dụng chính sách và bảo lãnh tín dụng bởi Công ty Tài chính chính sách Nhật Bản với 12.000 tỷ Yên, Quỹ tín dụng T.Ư hợp tác xã công thương là 9.000 tỷ Yên và các hiệp hội bảo lãnh tín dụng (gồm 51 hiệp hội) là 26.000 tỷ Yên.

Công nhân trong phân xưởng may Công ty TNHH Trường Phúc (Hưng Yên). Ảnh: Khắc Kiên

Ngoài hỗ trợ dự toán, hỗ trợ tài chính, DNNVV Nhật Bản còn nhận được 2 sự hỗ trợ quan trọng về chế độ thuế nhằm thúc đẩy đầu tư thiết bị, tăng cường nền tảng tài chính, đồng thời nhận được sự hỗ trợ kinh doanh bằng các hình thức tư vấn, hướng dẫn. Ông Hiroshi Arai cho biết, Nhật Bản có tới 9 trụ sở khu vực của Cơ quan hỗ trợ DNNVV trên toàn quốc, có khoảng 2.500 địa chỉ, khoảng gần 10.000 chuyên gia hướng dẫn kinh doanh luôn sẵn sàng để hỗ trợ các DNNVV.

Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội hiện đang quản lý điều hành một vườn ươm công nghệ chế biến bảo quản thực phẩm đi vào hoạt động từ năm 2007, đến nay vẫn duy trì hoạt động ổn định hỗ trợ ươm tạo cho DN khởi nghiệp lĩnh vực thực phẩm. Gần đây nhất, Hà Nội đã thành lập vườn ươm công nghệ thông tin thuộc Sở TT&TT. Trung tâm đang tham mưu cho Sở KH&ĐT xây dựng đề án khởi nghiệp của TP, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chủ trương của TP sẽ trở thành khu dịch vụ tập trung có quy mô lớn nhất của cả nước, có sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tỉnh, thành khác.

Kết nối để hỗ trợ

Theo Kế hoạch hỗ trợ DNNVV Việt Nam, tổng tài sản bình quân của DNNVV Việt Nam năm 2013 là 20,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8,2 tỷ đồng. Khoảng cách về vốn giữa DNNVV và DN lớn ngày càng tăng, doanh thu trung bình của một DN tăng nhẹ nhưng lợi nhuận trước thuế có xu hướng giảm. Chi phí sản xuất tăng và hiệu quả lại có xu hướng giảm. DNNVV có nhiều tiềm năng nhưng do thiếu vốn nên khó phát triển.

Theo ông Nguyễn Trường Giang (JETRO TP Hồ Chí Minh), kết quả khảo sát tình hình các DNNVV của Việt Nam do Nhóm công tác về hỗ trợ DNNVV cho thấy, các vấn đề mà DNNVV gặp phải tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính bao gồm thiếu vốn, chính sách của Chính phủ chưa có tác dụng phát triển DNNVV và năng lực kinh doanh (năng lực quản trị, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng), văn hóa các DN, đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật… của giám đốc nhiều DN còn hạn chế.

Trong khi đó, từ thực tiễn ở địa phương, ông Lê Văn Quân – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội (Sở KH&ĐT) cho biết, nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV được lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm. Thời gian qua, Trung tâm đã tham mưu cho TP trong việc triển khai kế hoạch, chương trình hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn tài chính và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Nhấn mạnh đến vấn đề về vốn, ông Quân cho biết, để hỗ trợ, Trung tâm đã liên hệ với các tổ chức tài chính, tín dung, các quỹ để kết nối hỗ trợ DNNVV tiếp cận vay như Quỹ phát triển DNNVV (Bộ KH&ĐT), nhất là phối hợp với Quỹ đầu tư TP để giới thiệu cho các DN trên địa bàn không đủ tài sản thế chấp đảm bảo vẫn có thể vay vốn thông qua bảo lãnh nhằm mục đích hỗ trợ DNNVV phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông: Mong Luật hỗ trợ DNNVV sớm đi vào cuộc sống

 

Đó là những mong mỏi của cộng đồng DN nói chung, DNNVV nói riêng, cũng như của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý để làm sao hỗ trợ sự phát triển của các DN phù hợp với xu thế hội nhập thế giới. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đã có những chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Ông đánh gia thế nào về sự hỗ trợ của Nhật Bản và Việt Nam để hỗ trợ DNNVV?

- Ngay từ những ngày đầu mới phát triển đất nước sau chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV và sớm có luật để DNNVV là trụ cột, xương sống của nền kinh tế. Chính vì thế, tôi mong muốn dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang trình Quốc hội sớm được thông qua để đi theo đúng xu thế của thế giới. Thậm chí, ngay tại nước phát triển như G7 cũng vẫn triển khai nhiều chính sách phát triển DNNVV, nên cộng đồng này rất lớn mạnh.

Ngoài hỗ trợ DN trong nước, ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của Nhật Bản cho DNNVV Việt Nam?

- Thời gian qua, thông qua các tổ chức JICA, JETRO, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam như chia sẻ kinh nghiệm, cử chuyên gia tình nguyện tập huấn cho DN Việt Nam thay đổi cung cách quản lý tổ chức sản xuất để đạt được những tiêu chuẩn nhất định tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN lớn của Nhật Bản… Chính vì thế, tôi muốn nhấn mạnh đến việc Luật Hỗ trợ DNNVV trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội tới sẽ được sớm thông qua để những chính sách khi đi vào cuộc sống có lợi cho cộng đồng DNNVV. Chúng ta không cầu toàn nhưng quá trình thực hiện sẽ chỉ ra những chính sách đã đúng chưa, đã đủ chưa, nếu chưa thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Với những kinh nghiệm chia sẻ của Nhật Bản, Việt Nam có thể vận dụng linh hoạt như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ DNNVV, thưa ông?

- Nội hàm của sự linh hoạt, tôi chưa hiểu rõ, nhưng không có một mẫu chuẩn cho một chính sách cụ thể nào, mỗi một quốc gia ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ có điều kiện khác nhau. Chúng ta chỉ có thể học hỏi được kinh nghiệm tốt nhất của các nước, tìm kiếm cái gì phù hợp với điều kiện khả năng của đất nước, với đặc thù của DNNVV hiện tại để đề ra được chính sách phù hợp nhất. Tôi nghĩ linh hoạt không quan trọng, mà tin tưởng những chính sách đưa ra sẽ phù hợp giúp hỗ trợ DNNVV hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh  thực hiện