Thịt lợn bán lẻ tăng mạnh, chạm mức 100.000 đồng/kg

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mấy ngày gần đây, trên thị trường thịt lợn hơi đã tăng khoảng 15.000 – 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thịt lợn bán lẻ đã tăng lên đến 100.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tăng chưa cao, nguồn cung còn nhiều

Theo lãnh đạo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết: Trong mấy ngày nay giá thịt lợn hơi bất ngờ tăng mạnh từ lên mức 35.000 - 38.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng mạnh là do các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực và đồng bộ giải pháp về kiểm soát hạn chế tăng đàn, đảm bảo duy trì đàn nái có chất lượng. Thời điểm vừa qua cũng là lúc người chăn nuôi nhỏ lẻ loại thải đàn nái kém chất lượng và thay đổi tư duy sản xuất.

Để tìm hiểu thực tế giá thịt lợn hơi trên thị trường ra sao, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã đi khảo sát tại một số chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn và chia sẻ của người dân tại xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội. Theo chia sẻ của một số người dân ở xã Bình Minh, đây là một xã có khá nhiều lò mổ lợn. Giá lợn hơi trên địa bàn mới tăng khoảng 1 tuần nay. Giá bán lợn hơi tăng lên đến 32.000 – 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg. Lợn móc hàm (lợn đã làm sạch, còn nguyên con) có giá bán từ 48.000 – 50.000 đồng/kg, cũng tăng khoảng 15.000 – 17.000 đồng/kg. so với thời điểm trước khi giá lên.
 Giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường tự do đã tăng 45-50% so với thời điểm giá lợn hơi xuống thấp.
Cũng theo người dân của xã Bình Minh và ông Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, cách đây khoảng 10 ngày trước, tổng đàn lợn trên địa bàn mới giảm khoảng 20% so với thời điểm trước khi các cơ quan ban ngành thực hiện giải cứu thị trường. Tại thời điểm phóng viên làm việc với lãnh đạo phòng Kinh tế huyện thì giá lợn hơi đang có mức thấp nhất là 18.000 đồng/kg. Những giải pháp giải cứu của huyện chủ yếu là động viên các nhà hàng, cơ quan, đơn vị chung tay sử dụng thịt lợn, hỗ trợ nông dân. Ngoài ra huyện có hỗ trợ cho những trang trại chăn nuôi lợn nái để duy trì đàn nái chất lượng tốt.
 Gia đình ông Thắng chăn nuôi tại xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội.
Gia đình ông Thắng tại xã Bình Minh đã xuất bán 1 lứa lợn kể từ khi giá lợn xuống thấp và vẫn nhập lại đàn duy trì tổng đàn lợn 20 con. Theo ông, bỏ chăn nuôi cũng không biết làm gì, nhưng gia đình ông đã chuyển từ cách chăn nuôi cám công nghiệp sang chăn nuôi bằng cám ngô, gạo theo mô hình hữu cơ, tận dụng các sản phẩm trong nông nghiệp vẫn có lãi.

Như vậy, sau 2 tháng giải cứu nhưng tổng đàn tại Thanh Oai giảm chưa nhiều. Theo chia sẻ của một số hộ và tiểu thương kinh doanh tại chợ, nguyên nhân giá lợn tăng nhanh là do những ngày qua thương lái lại thu mua lợn hơi xuất khẩu sang trung quốc theo đường tiểu ngạch.

Giá thịt bán lẻ trên thị trường đã tăng vọt

Sáng 15/7, phóng viên đã đi một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội tìm hiểu về giá lợn bán lẻ, được biết: Hầu hết các tiểu thương trên địa bàn đã tăng giá bán thịt lên gấp đôi so với thời điểm trước khi giá tăng.

Cụ thể, thịt lợn sấn, bắp giò, ba chỉ đều đã được bà con tiêu thương bán với giá 80.000 đồng/kg. Thịt nạc thăn, nạc vai, sườn bán với giá 100.000 đồng/kg, tăng từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, gấp đôi so với thời điểm trước.

Theo bà Hồng chuyên mua lợn móc hàm về bán lẻ ở chợ khu vực Văn Quán, Hà Đông cho biết: Mỗi cân lợn móc hàm bà mua từ 45.000 - 48.000, nếu lợn ngon có khi lên 50.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 – 17.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi giá lên. Nhưng được hỏi, tại sao giá mới tăng chưa đầy 20.000 đồng/kg mà bà đã bán lẻ thịt tăng gấp đôi thì bà đã không trả lời được.
 Giá bán lẻ thịt lợn tại siêu thị Co.opmart.
Tại siêu thị Co.opmart giá thịt lợn bán lẻ cũng ở mức từ gần 70.000 đến trên 100.000 đồng/kg.

Là phóng viên theo dõi thị trường nhiều năm, nếu như giá bán lẻ thịt lợn như hiện nay đã ngang bằng với giá bán thịt tại thời điểm giá bán lợn hơi dao động quanh mức 45.000 – 50.000 đồng/kg. Như vậy, giá thịt lợn hơi tăng chưa nhiều, nhưng các tiểu thương đã lợi dụng tăng giá mạnh lên từ 30% đến gần 50% so với trước.

Điều này, đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước cần phải siết chặt quản lý tránh tình trạng tiểu thương đẩy giá tăng cao, khiến người tiêu dùng bị thiệt hại và thị trường bị méo mó.