Thịt lợn tắc đầu ra

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh không chỉ gây sụt giảm nghiêm trọng về tổng đàn, mà còn khiến việc tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ lợn gặp nhiều khó khăn.

 Chăm sóc đàn lợn tại huyện Đông Anh. 
Nếu như trước tháng 2/2019, thời điểm dịch tả lợn châu Phi chưa bùng phát và lây lan tại Hà Nội, trung bình mỗi tháng, HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cung cấp ra thị trường khoảng 70 – 80 tấn thịt lợn sạch thì nay, sản lượng tiêu thụ giảm chỉ còn khoảng… 30 tấn. Giám đốc HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết, hiện nay tổng đàn lợn của trang trại khoảng 4.000 con, trong đó trên 3.600 lợn thịt thương phẩm. Dù sản phẩm thịt lợn của trang trại được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn do nhu cầu của thị trường giảm mạnh. Theo ông Long, trong bối cảnh giá thịt lợn giảm sâu, trang trại đang phải kéo dài thời gian nuôi, đồng nghĩa với chi phí chăn nuôi cũng tăng đáng kể.

Đại diện một số cơ sở chăn nuôi lớn tại Hà Nội cho biết, hiện giá lợn đã xuống dưới 30.000 đồng/kg nhưng việc tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn. “Chúng tôi buộc phải giảm đàn, chấp nhận ngừng cung cấp thịt lợn vào các bếp ăn tập thể. Giờ thì chỉ còn biết trông vào việc tiêu thụ thông qua các kênh bán lẻ” – anh Nghiêm Đình Minh, chủ trang trại chăn nuôi lợn Minh Hà (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) nói.

Dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu được khống chế và sẽ còn gây thiệt hại lớn hơn về đàn lợn. Chính vì vậy, mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản khuyến cáo các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn không tái đàn trong giai đoạn đang xảy ra dịch tả châu Phi. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng, nhiều chủ trang trại chăn nuôi, nhất là ở quy mô từ 200 con lợn trở lên cũng đã giảm dần tổng đàn.

Trước băn khoăn về việc suy giảm số lượng đàn lợn liệu có khiến nhu cầu thực phẩm cho 10 triệu dân đang cư trú tại Thủ đô bị thiếu hụt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, TP đang khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất và hộ sản xuất nhỏ lẻ chuyển đổi sang chăn nuôi các loại gia súc (trâu, bò), gia cầm (gà, vịt), thủy hải sản có lợi thế. Đây sẽ là nguồn cung thực phẩm bổ sung, thay thế quan trọng cho lượng thịt lợn dự kiến sẽ không còn dồi dào trên thị trường trong thời gian tới. Ông Mỹ cũng cho biết thêm, Hà Nội khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất lớn tổ chức trữ đông thịt lợn để tiêu thụ dần và đang nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng “không quay lưng” với thịt lợn khỏe mạnh.