Thỏa thuận chia di sản thừa kế bằng giấy viết tay được không?

KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngôi nhà của ông bà tôi để lại cho 4 người con mục đích làm nhà thờ tổ, nhưng nay có 1 trong 4 người đòi hưởng quyền lợi, cụ thể là đòi một khoản tiền coi như là nhận một phần từ di chúc, và yêu cầu ký giấy tay giữa 4 người con. Liệu thỏa thuận chia di sản thừa kế bằng giấy viết tay như vậy có được không và để đúng pháp lý phải làm thế nào? Nguyễn Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trả lời:
Ông bà của bạn mất mà không để lại di chúc, nên căn cứ vào khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định về những người thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất của ông bà bạn gồm 4 người, mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau.

Về mặt hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Căn cứ Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với đối tượng tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền trên đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.

Về hướng giải quyết:

Bước 1: Họp mặt các đồng thừa kế và làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản (quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015). Ở bước này, các đồng thừa kế sẽ thống nhất về phân chia di sản, sau đó thỏa thuận, có thể nhượng lại phần được hưởng của mình cho các đồng thừa kế khác. Văn bản này sẽ được tất cả các đồng thừa kế ký tên.

Bước 2: Để văn bản có giá trị pháp lý cao, các bạn nên đưa văn bản thỏa thuận phân chia di sản ra văn phòng công chứng để công chứng hoặc chứng thực chữ ký tại UBND cấp xã.

Nếu những đồng thừa kế khác không thể đến văn phòng công chứng, có thể viết văn bản ủy quyền cho chính người phân chia di sản. Sau khi đã có văn bản ủy quyền thì người được ủy quyền sẽ đến văn phòng công chứng nộp các giấy tờ sau: Chứng minh Nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh của những người khi nhận di sản thừa kế; Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế; Bản sơ yếu lý lịch của người được ủy quyền phân chia di sản thừa kế; Giấy tờ về di sản thừa kế như sổ đỏ, sổ tiết kiệm và các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản khác; Giấy ủy quyền, giấy từ chối nhận di sản (nếu có);

Bước 3: Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và đã được công chứng hoặc chứng thực thì người được cử trực tiếp quản lý tài sản mang đến Văn phòng Đăng ký đất đai để tiến hành làm thủ tục đăng ký biến động.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối