Thỏa thuận cuối cùng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau mấy lần thất bại ê chề trong Quốc hội và trước tòa án ở Anh, Thủ tướng nước này Boris Johnson đã xoay chuyển được tình thế khó khăn về chính trị đối nội khi đạt được với EU thỏa thuận mới về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit).

 
Kết quả thương thảo này về cơ bản vẫn là thỏa thuận mà người tiền nhiệm, bà Theresa May đã đạt được với EU nhưng 3 lần liền không được Quốc hội Anh phê chuấn. Sự khác biệt không nhiều nhưng lại ở điểm nội dung nhạy cảm và tế nhị nhất ở nước Anh là điều khoản liên quan đến duy chế kinh tế, thương mại và thuế quan cũng như thông thương cho Bắc Ireland và giữa Bắc Ireland do Anh quản lý và Ireland là thành viên EU.
Về điểm này, ông Johnson đạt được thỏa hiệp mới cho một giải pháp trung dung giúp Anh bảo tồn được chủ quyền hoàn toàn đối với Bắc Ireland nhưng đồng thời lại để ngỏ khả năng cho Bắc Ireland tự quyết định có tiếp tục duy trì quy chế đối tác hợp tác đặc biệt riêng của EU cho vùng Bắc Ireland hay không.
Thỏa thuận mới này còn cho phép nước Anh ngay lập tức sau Brexit chứ không phải mãi sau một thời gian nhất định có thể tiến hành đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương cũng như đa phương với các bên thứ 3.
Cả trên danh nghĩa cũng như trong thực chất, thỏa thuận mới này giữa ông Johnson và EU bao hàm những nhượng bộ rất đáng kể và bất ngờ của EU cho Chính phủ Anh, bất ngờ vì EU cho tới hiện tại vẫn luôn quả quyết là sẽ không tiến hành đàm phán lại với Chính phủ Anh về Brexit, đáng kể vì cả thỏa hiệp liên quan đến Bắc Ireland và nước Anh có thể ký kết ngay thỏa thuận hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với các bên thứ 3 suốt thời gian qua đều là chuyện như thể cấm kỵ đối với EU.
Cho nên qua đó có thể thấy 2 điều liên quan đến EU.
Thứ nhất là cho tới tận giờ phút cuối cùng, EU vẫn kiên định chủ ý và nỗ lực để có được thỏa thuận với Chính phủ Anh về Brexit. Tuy đã phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản là nước Anh ra khỏi EU mà không với bất kỳ thỏa thuận nào giữa Anh và EU về Brexit, EU vẫn tận dụng triệt để mọi cơ hội có được để đạt được thỏa thuận ấy với phía Anh, đơn giản bởi Brexit với thỏa thuận giữa hai bên vẫn tích cực và có lợi cho cả hai bên hơn nhiều so với Brexit mà không với bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai bên.
Một cuộc họp của Quốc hội Anh ở London. (Nguồn:THX/TTXVN)

Thứ hai là EU đã đến tận cùng giới hạn có thể nhượng bộ và thỏa hiệp với phía Anh. Nếu quốc hội Anh không phê chuẩn thỏa thuận này thì chắc chắn sẽ không có thỏa thuận khác để phê chuẩn. EU có thể gia hạn thêm cho phía Anh thời gian xử lý Brexit, tức là không cứ nhất khoát ngày 31/10 tới đây là thời hạn cuối cùng, nếu phía Anh yêu cầu nhưng sẽ không chấp nhận đàm phán lại một lần nữa với Chính phủ Anh về Brexit. Vì thế, thỏa thuận mới kia chắc chắn là thỏa thuận cuối cùng của EU với Anh về Brexit.
Ông Johnson đã đạt được một thành quả đối ngoại có ý nghĩa và tác động vô cùng quan trọng ở Anh. Quốc hội Anh có phê chuẩn hay không phê chuẩn thỏa thuận mới kia - dự kiến trong ngày 19/10 này - thì ông Johnson cũng có được uy tín cá nhân ở Anh cao đến mức đủ để giúp Đảng Bảo thủ Anh đánh bại tất cả các đảng phái chính trị khác trong cuộc bầu cử quốc hội định kỳ hay trước thời hạn tới.
Ông Johnson đẩy Auốc hội Anh vào tình thế phải lựa chọn giữa thỏa thuận mới về Brexit hoặc Brexit mà không có thỏa thuận nào với EU, tức là thực hiện Brexit như cam kết với dân Anh vào ngày 31/10 tới. Còn nếu bị Quốc hội Anh buộc phải đề nghị EU gia hạn thời gian xử lý Brexit thì ông Johnson lại có thể sử dụng việc ấy cho cuộc vận động tranh cử, gây khó khăn cho tất cả các đảng phái chính trị khác. Dù kịch bản nào rồi đây xảy ra với Brexit thì ông Johnson vẫn luôn chắc chắn được lợi và còn được lợi nhiều nhất. Vậy chuyện Brexit xem ra đang dần đi vào hồi kết.