Thỏa thuận hai bên, cuộc chơi ba bên

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thực hiện trên thực tế thỏa thuận đã ký kết với Nga hồi năm 2017 về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga đã đẩy hai nước này và Mỹ vào tình huống quan hệ mới với nhau.

Chuyện mới này giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có được chất lượng quan hệ song phương mới, nhưng lại làm cho mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO thêm trắc trở và phức tạp. Mỹ và NATO không thể không nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại như một đồng minh quân sự chiến lược đang lầm đường lạc lối.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Ở đây có ba điều đáng được chú ý đến trước hết.

Thứ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện thỏa thuận này với Nga bất chấp mọi cảnh báo và đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ cũng như mọi biểu hiện thái độ lo ngại của NATO. Tức là Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được đầy đủ từ trước đấy về tác động, hậu quả và hệ lụy của việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Mỹ dọa là sẽ không bán cho Thổ Nhĩ Kỳ loại máy bay tiêm kích thế hệ mới nhất F-35 và loại thành viên NATO này ra khỏi chương trình nghiên cứu và sử dụng loại máy bay kia, nói theo cách khác, Mỹ tách biệt Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên NATO khác. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã làm việc này sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thực hiện thỏa thuận nói trên với Nga.

Thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ có sự lựa chọn thay thế cho loại vũ khí này của Nga, không phải không có, đặc biệt là có thể mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định mua hệ thống S-400 của Nga. Trong sự lựa chọn này, giá cả và tính năng của vũ khí đóng vai trò quan trọng - vũ khí của Mỹ đắt hơn của Nga - nhưng rõ ràng cả những mưu tính chính trị khác nữa ở phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò quyết định.

Thứ ba, Mỹ và NATO coi Nga là đối thủ, thậm chí còn cả là địch thủ. Xưa nay, trong NATO có thông lệ là các thành viên có nhu cầu tăng cường vũ trang thì mua sắm vũ khí của nhau, không mua sản phẩm của bên ngoài liên minh, càng chưa từng có chuyện thành viên của liên minh mua vũ khí của đối thủ hay địch thủ của NATO.

Từ đó có thể thấy việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thỏa thuận kia với Nga trong bối cảnh tình hình như thế chỉ có thể là quyết sách đã được suy tính rất chu toàn của chính phủ nước này.

Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO thì không có gì là bất ổn, nhưng với riêng Mỹ thì lại khá trắc trở. Phía Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về dẫn độ giáo sĩ Fethullah Guelen và thiên về quan điểm cho rằng chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dàn dựng cuộc đảo chính quân sự năm 2016 để có cớ thanh trừng nội bộ, củng cố và tập trung quyền lực.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiêu diệt hoặc ít nhất thì cũng làm suy yếu đáng kể người Kurd ở Syria cả về chính trị lẫn quân sự trong khi lực lượng này lại là đối tác và đồng minh chính của Mỹ ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga cả về chính trị lẫn quân sự, đặc biệt ở Syria, trong khi Mỹ và NATO đối phó Nga trên bình diện thế giới nói chung và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh nói riêng.

Cho nên thỏa thuận này giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi rất đáng kể mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, với Mỹ và NATO cũng như tác động rất mạnh mẽ tới mối quan hệ giữa Mỹ và NATO với Nga. Nó tạo nên cuộc chơi mới cả về chính trị lẫn quân sự và an ninh giữa ba bên là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ cùng với NATO, tác động trực tiếp tới chuyện chính trị an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực trong thời gian tới. Nga được lợi nhiều hơn cả.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt cá hai tay như thế đương nhiên phải chấp nhận những rủi ro nhất định trong khi Mỹ và NATO phải chịu quả đắng. Chắc chắn Nga sẽ tận dụng lợi thế dấn thêm nữa để phân hóa hai phía kia và cũng chắc chắn là Mỹ và NATO sẽ tìm kế sách mới xử lý quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần