Thoái vốn Nhà nước: Thêm một lần lỡ hẹn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn DN Nhà nước (DNNN), nhưng kế hoạch sắp xếp lại DNNN giai đoạn 2011 - 2015 vẫn chưa đạt mục tiêu. CPH, thoái vốn DNNN lại thêm một lần lỡ hẹn.

Còn trên 15.600 tỷ đồng vốn cần thoái

Báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã CPH được 500 DN, đạt hơn 90% kế hoạch. Năm 2015 cũng ghi nhận việc các DNNN đã thoái vốn đầu tư ở 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm chứng khoán, ngân hàng - tài chính, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư... Tổng số vốn đã thoái là 4.975 tỷ đồng. Số vốn còn lại cần tiếp tục thoái lớn rất lớn, lên tới trên 15.600 tỷ đồng.
Ngành Tài chính, ngân hàng, một trong 5 DNNN đã thoái vốn trong năm 2015.  	Ảnh: Trần Việt
Ngành Tài chính, ngân hàng, một trong 5 DNNN đã thoái vốn trong năm 2015. Ảnh: Trần Việt
Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách về CPH và thoái vốn Nhà nước đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sắp xếp lại các DNNN. Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10 về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào DN; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô để thu hút các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN. Bộ cũng đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai thừa nhận, tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm, số vốn Nhà nước được CPH còn thấp, tỷ lệ vốn Nhà nước còn nắm giữ ở các DN đã CPH còn cao, kể cả những DN không cần giữ cổ phần chi phối. 

Theo bà Mai, tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán là nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ sắp xếp lại DNNN. Ngoài ra, những vướng mắc về cơ chế và nhận thức của một bộ phận cán bộ DN cũng là “điểm nghẽn” khiến tiến trình CPH DNNN gặp vật cản. Thực tế, một số người đứng đầu ở nhiều DN chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng và các lợi ích mang lại của việc tái cơ cấu đối với phát triển kinh tế - xã hội, nên chưa thật sự quan tâm, tập trung triển khai.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Trước thực trạng CPH đạt 90% kế hoạch, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các DN CPH vẫn cao và chưa đạt mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình CPH, thoái vốn ngoài ngành một cách có trật tự. Đối với các địa phương chưa có phương án sắp xếp lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 cần khẩn trương xây dựng và báo cáo Chính phủ.

Về phía Bộ Tài chính, năm 2016 sẽ tiếp tục đẩy mạnh CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giảm và bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường. Các giải pháp giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đảm bảo tiến độ triển khai theo đúng lộ trình đã được phê duyệt cũng sẽ được Bộ thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.