Thời đại kỷ nguyên số: Văn hóa đọc xuống cấp?

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã tạo điều kiện cho xuất bản số phát triển. Nhờ có công nghệ, các ấn phẩm xuất bản nhanh hơn, tiếp cận bạn đọc dễ dàng hơn. Người đọc đã tiến gần hơn với sách thông qua các trang web, ứng dụng trên thiết bị thông minh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của internet đã “nhấn chìm” văn hóa đọc sách, song cũng có ý kiến văn hóa đọc không xuống cấp mà chỉ là sự thay đổi hình thức đọc sách.
Đọc trên internet
Năm 2014, Ngày sách Việt Nam ra đời. Từ thời điểm đó đến nay, Ngày sách được Bộ TT&TT tổ chức thường niên và trở thành ngày hội của những người đam mê các xuất bản phẩm. Với thông điệp đọc sách nâng cao tri thức, khuyến đọc để khuyến học, kể từ ngày sách Việt Nam năm 2014 những không gian dành cho đọc sách được xây dựng ở khắp các vùng miền. Từ thư viện làng, thư viện dòng họ, thư viện trại giam đến các tủ sách khuyến học, tủ sách của phụ huynh, lớp học, khu dân phố đã khiến văn hóa đọc thân thuộc với nhiều người.
Những trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lần đầu tiên Ngày Sách Việt Nam diễn ra với hình thức trực tuyến. Sự thật, trong thời điểm phát triển internet, không ai biết được bức tranh của đời sống sách Việt Nam như thế nào. Và Ngày Sách online quốc gia đầu tiên chính là thước đó văn hóa đọc trong thời đại công nghệ 4.0.
 Độc giả chọn mua ấn phẩm tại Hội chợ sách diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Một trong những tín hiệu khá mạnh cho thấy văn hóa đọc thời đại 4.0 đang phát triển, đó là việc xuất hiện các diễn đàn đọc sách, giới thiệu, review sách trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Blog. Hay các website của các nhà sản xuất bản, các trường đại học, hội văn học nghệ thuật cho thấy bức tranh văn hóa đọc không u ám.
Bên cạnh đó, hiện nay trên internet có nhiều diễn đàn đọc sách thu hút nhiều công chúng như: Docsachonline.vn, bookhunterclup.com, sachvui.com, tramdoc.vn… và những nhóm đọc, chia sẻ việc đọc như: Trạm Review sách, Xóm mọt sách, Nghệ thuật và sách… thu hút hàng triệu người tham gia.
Chưa hết, nhìn vào đời sống đọc và chia sẻ việc đọc trên internet có thể thấy hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, hoạt động xã hội, giáo dục đều có tài khoản trên mạng xã hội. Họ tham gia vào đời sống văn hóa đọc bằng việc giới thiệu kinh nghiệm, trải nghiệm đọc của mình, qua đó truyền cảm hứng, lan tỏa đến công chúng. Ở một góc lặng lẽ hơn, những nhà sưu tầm, buôn bán sách đã tạo ra xung năng kích cầu đối với người đọc.
Thời gian gần đây, sự xuất hiện của một số diễn đàn “Đọc sách cùng con”, quan điểm mừng tuổi, tặng quà bằng sách thay cho tặng phẩm khác cũng có tác động đến nhận thức của cộng đồng đối với sách. Cùng với đó, hoạt động ngày càng đều đặn và chuyên nghiệp hơn của các tờ báo - tạp chí, hội văn học nghệ thuật trong cả nước với việc liên kết giữa xuất bản báo - tạp chí giấy với phát hành điện tử đã đưa sách đến với người đọc bằng nhiều hình thức. Các trường đại học, nhất là khối các trường văn hóa nghệ thuật, sư phạm, khoa học xã hội nhân văn cũng đều có website liên quan đến sách vở, đọc và chia sẻ sách.
Có thể thấy, với sự có mặt một cách sôi động của các diễn đàn, cơ sở, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc sáng tác - xuất bản - in ấn - phát hành - phân phối - tiêu thụ - quảng bá sách, khiến chúng ta không ngần ngại nói rằng, văn hóa đọc ở Việt Nam đang có những tiến triển tích cực.
Sách điện tử sẽ còn phát triển
Trên thực tế đã có những e ngại về việc sự phát triển của công nghệ nghe nhìn hiện nay sẽ lấn át việc đọc sách và văn hóa nghe nhìn sẽ lấn át cả văn hóa đọc. Những ý kiến này đã có căn cứ bởi trẻ em ngày nay dễ dàng bị hấp dẫn bởi các trạng mạng xã hội thay vì sách báo. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: “Tôi cho rằng những ảnh hưởng của văn hóa nghe nhìn đến văn hóa đọc là có thật và đó không phải là câu chuyện riêng ở Việt Nam. Trên thế giới, câu chuyện này có tính phổ quát. Mỹ là một trong những quốc gia có nền xuất bản phát triển, cũng là quốc gia có nền văn hóa đọc.
Tuy nhiên, từ năm 1980, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ đã có những cảnh báo với Chính phủ về vấn đề những tác động tiêu cực lên văn hóa đọc. Qua đó cho thấy, ngay cả một quốc gia có nền xuất bản mạnh như vậy nếu không có chính sách khuyến đọc phù hợp thì văn hóa đọc sẽ bị ảnh hưởng”.
Trước tác động của văn hóa nghe nhìn, để có thể lôi kéo độc giả mới, xuất bản thời đại 4.0 đã có những phương thức mới. “Sách điện tử hiện nay rất đa dạng. Đem đến cho người đọc sự đang trong cách tiếp cận, đó không chỉ là vẻ đẹp của con chữ mà có cả hình ảnh, âm thanh. Qua đó, sách điện tử làm giàu có thêm trí tưởng tượng cho người đọc.
Đồng thời, sách điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán. Sách điện tử cũng tạo điều kiện cho độc giả tương tác với chính tác giả và bạn đọc khác. Đó là điều Ngành xuất bản thời gian tới cần tích cực ứng dụng công nghệ, ứng dụng vào hoạt động xuất bản” - ông Nguyễn Nguyên cho hay.
So với thế giới, có thể tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam còn thấp. Điều này không hoàn toàn do lỗi của công chúng. Nền tảng kinh tế - xã hội của một đất nước thường xuyên đối mặt với chiến tranh, thiên tai, hiện tại vẫn trong nhóm các nước đang phát triển, dân số khá đông, thu nhập bình quân đầu người chưa cao.
Sự phát triển đồng bộ của kinh tế - chính trị - văn hóa - giáo dục - xã hội cùng với khoa học, kỹ thuật, công nghệ sẽ từng bước kiến tạo văn hóa đọc ở Việt Nam trong một nền tảng vững chắc hơn.

'Đầu tư cho con người đòi hỏi cần phải có chiều sâu, lâu hơn bất cứ cái gì thuộc về vật chất. Nếu ví von dễ hiểu thì nó không khác gì việc chúng ta xây một ngôi nhà mà việc đọc thì như cái nền móng. Không thể một sớm một chiều mà chúng ta có được một thế hệ biết quan tâm đến sách, biết “nghiện” các “túi khôn của thiên hạ” từ sách ngay được. Nhưng, hãy cứ bắt đầu, cứ bắt tay vào đã. Đừng ngồi đó thở ngắn than dài." - Nhà văn Nguyễn Việt Chiến


Quan trọng là đừng rời bỏ cuốn sách và tinh thần của cuốn sách

"Hiện nay công nghệ phát triển cho phép người đọc tiếp cận dễ dàng với sách. Nhưng điều quan trọng, chúng ta đừng rời bỏ cuốn sách và tinh thần của cuốn sách. Có thể, tôi sẽ chọn đọc một cuốn sách điện tử trên chuyến bay hay ở đâu đó khi đi công tác nước ngoài hay về nông thôn không có điều kiện. Nhưng, tôi vẫn chọn một cuốn sách giấy, ngồi bình yên trên ban công, cạnh một chậu hoa hồng đẹp, uống với cà phê. Tôi tin hiện nay chúng ta đã tìm ra hướng khác để chuyển biến việc đọc sách, cho người đọc có nhiều điều kiện bước vào thế giới sách, không nên khu biệt riêng." - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc

"Từ thuở hồng hoang nguyên thủy đến thế giới văn minh hiện đại, sách vẫn được ví như kho tri thức của nhân loại, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa, thành tựu phát triển... của loài người. Thời đại bùng nổ thông tin cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có sự thay đổi trong cách đọc, tiếp nhận tri thức của độc giả. Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, đó là đòi hỏi và cũng thách thức đối với người làm văn hóa đọc" - Trưởng Phòng thông tin truyền thông (Học viện Kỹ thuật quân sự) Phạm Tùng Lâm (Minh An ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần