Thời điểm “vàng” ôn luyện thi cuối cấp

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các sĩ tử phải ôn luyện tích cực chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới.

 Ảnh minh họa
Gấp rút luyện đề

Làm thử các đề thi là một cách ôn luyện được nhiều sĩ tử lựa chọn để tổng hợp kiến thức đã học. Thời điểm này, đa phần học sinh đã học được 3/4 chương trình, được trang bị hoàn thiện những kiến thức cơ bản. Thường xuyên luyện đề để chuẩn bị cho kỳ thi THPT sắp tới, trong đợt nghỉ Tết vừa qua, Nguyễn Văn Hùng (học sinh lớp 12, trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) không quên nhiệm vụ mỗi ngày hoàn thành một đề. Sau đợt nghỉ Tết, Hùng đã đăng ký thêm một lớp luyện đề Toán để sẵn sàng cho kỳ thi trọng đại phía trước. Trên các diễn đàn ôn thi THPT quốc gia 2019 ở mạng xã hội, không khí ôn luyện cũng diễn ra hối hả trong suốt những ngày nghỉ Tết. Đề thi thử của các trường được đăng tải để các sĩ tử cùng làm và chia sẻ những kinh nghiệm làm bài.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: “Thời lượng dạy và học đã được nhà trường chủ động bố trí đầy đủ và hợp lí từ đầu năm học nên sau Tết chúng tôi không cần tăng cường lịch học, có chăng việc kiểm tra, truy bài học sinh sẽ được thực hiện nhiều hơn nhằm phát hiện và hỗ trợ các em còn yếu. Với khối 12, thời gian còn lại không nhiều, bởi thế, ngay sau Tết, các giáo viên bộ môn đều có kế hoạch học và ôn thi, có đề cương chi tiết để học sinh chủ động, tránh tình trạng bị dồn vào thời gian cuối năm, tạo áp lực mà không hiệu quả”.

Các sĩ tử “nhí” với mong muốn được vào học tại các trường THCS chất lượng cao cũng hối hả tăng cường ôn luyện tại các trung tâm học thêm. Chị Nguyễn Thu Nguyệt (Hà Đông, Hà Nội) có con đang học lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông. Với hy vọng cho con học cấp THCS ở trường Amsterdam nên ngay ngày đầu tiên đi làm sau nghỉ Tết, vợ chồng anh đã đăng ký cho con học thêm một lớp luyện cấp tốc ngữ pháp tiếng Anh trong 4 tháng.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

Năm học 2019 - 2020 là năm học đầu tiên TP Hà Nội áp dụng phương thức tuyển sinh mới để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Kỳ thi dự kiến được tổ chức trong hai ngày 2 và 3/6 với 4 bài thi độc lập, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, sẽ được công bố trong tháng 3/2019. Thêm môn thi, thêm hình thức thi trắc nghiệm sẽ không tránh khỏi áp lực thi cử tăng lên cho học sinh. Theo kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2019 - 2020 chiếm khoảng 62% trong tổng số 101.500 học sinh dự kiến sẽ tham gia xét tốt nghiệp THCS. Như vậy, sẽ có khoảng 63.000 học sinh tốt nghiệp THCS sẽ được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập; số học sinh còn lại được phân bổ vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi cuối cấp, thầy giáo Trần Mạnh Tùng đưa ra lời khuyên, điều quan trọng nhất là các sĩ tử phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch học và ôn thi cụ thể, chi tiết theo ngày, theo tuần, tháng… và nghiêm túc thực hiện đúng kế hoạch. Đặc biệt, học sinh phải biết học kết hợp vận động, giải trí, tránh tình trạng học “hành xác”, hại sức khỏe mà nhanh quên.