Thổi hồn cho đồ chơi thần thoại Việt qua công nghệ 3D

Bình An (VPMN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi thị trường đang bị đồ chơi ngoại đang lấn át, với bạt ngàn sản phẩm, thì trẻ em Việt Nam có thể chọn cho mình các sản phẩm từ câu chuyện Thần thoại “Sơn Tinh - Thủy Tinh” của chính dân tộc mình.

Là một người đam mê đồ chơi với bộ sưu tập đồ sộ hơn 1.500 siêu anh hùng và nhiều nhân vật khác, ông Nguyễn Tú - Giảng viên ĐH RMIT Việt Nam đã ấp ủ ý tưởng thiết kế, sản xuất dòng đồ chơi mô hình của riêng mình từ hơn 5 năm qua.

Ông Nguyễn Tú chia sẻ: “Tôi muốn đưa những thiết kế nhân vật dân gian và lịch sử Việt Nam do bản thân tôi và sinh viên của tôi thiết kế ra khỏi bản vẽ, và trở nên sống động hơn qua những mô hình thật”.
 Bộ đồ chơi thần thoại “Sơn Tinh- Thủy Tinh” bước ra từ chính văn hóa dân tộc Việt Nam
Theo ông Tú, thật khó tìm được đơn vị chế tác tại Việt Nam có thể tạo ra mô hình đồ chơi nhỏ và nhiều chi tiết với chất lượng cao. “Chỉ đến gần đây, khi một đơn vị chuyên gia công hàng xuất khẩu sang Nhật Bản tại Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) mạnh dạn đầu tư dây chuyền có đủ khả năng chế tác những mặt hàng đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao, tôi mới có thể cho ra mắt bộ đồ chơi đầu tiên với tên gọi Sơn Tinh - Thủy Tinh”, ông Tú cho biết.

Bộ đồ chơi Sơn Tinh- Thủy Tinh thuộc dòng sản phẩm Vạn Tích gồm năm nhân vật: Vua Hùng, Mị Châu, Sơn Tinh, Thủy Tinh và ngựa chín hồng mao được đóng gói kèm với một cuốn truyện tranh song ngữ và trò chơi đổ xí ngầu vượt địa hình.

Ông Nguyễn Tú cũng là Giám đốc điều hành Công ty Vinamation, doanh nghiệp chuyên làm hiệu ứng cho các bộ phim Hollywood tại TP Hồ Chí Minh. Công ty này đã tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Trường RMIT Việt Nam vào làm hiệu ứng phim cho Vinamation. Dòng sản phẩm Vạn Tích cũng có sự góp sức của 6 cựu sinh viên của ngôi trường này.

Sản phẩm sáng tạo độc đáo bộ cờ vua in 3D “The Legends” đã được nhóm sinh viên thiết kế và thực hiện trong vòng 3 tháng, áp dụng kiến thức từ môn chế tác và sản xuất đồ chơi bằng máy in 3D tại Đại học RMIT Việt Nam. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ những nhân vật trong truyện cổ tích và lịch sử Việt Nam của nhóm sinh viên này đã vượt qua gần 300 bài dự thi tại cuộc thi Cảm quan Việt Nam (Senses of Vietnam) và giành giải nhất vào cuối năm 2016.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần