Thổi hồn cho Nhà hát văn hóa thôn Đoài

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hoạt động văn hóa không chỉ còn diễn ra theo kiểu xuân thu nhị kỳ. Không gian trưng bày những kỷ vật liên quan đến người dân thôn Đoài, đến lịch sử và ký ức thời chiến tranh, thời bao cấp; cùng các hoạt động của câu lạc bộ hát dân ca, khiêu vũ, làm hoa giấy… khiến quan niệm về hoạt động của nhà văn hóa luôn đìu hiu bỗng trở nên sôi động.

3 cựu chiến binh và những trận chiến sinh tử
Hơn 20 tuổi nhập ngũ, trải qua rất nhiều trận mưa bom bão đạn. Hết chiến tranh, 3 người lính Đỗ Văn Tú, Ngô Văn Tình, Đỗ Văn Lộng trở về làng cùng gia đình tăng gia sản xuất. Những câu chuyện về một trận đánh ở Kom Tum, hay ở Mường Phăng (Lai Châu)… sẽ lùi mãi trong tiềm thức của người lính nếu không có cuộc nói chuyện khơi gợi ký ức chiến tranh ngày hôm nay. Và những đứa trẻ hồn nhiên của thôn Đoài sẽ ngỡ rằng ông Tú, ông Tình, ông Lộng bị bỏng nước nên màu da loang lổ; sẽ ít người biết đó là hậu quả của những trận bỏng do bom Napan gây ra cho họ.

“Trong trận đánh đỉnh đồi kéo pháo năm 1953, đồng đội của tôi hy sinh rất nhiều, xác chết đen đỉnh đồi, không thể phân biệt đâu là nam, đâu là nữ. Tôi may mắn thoát chết nhờ chiếc chăn trấn thủ trong hố tăng-xê (hố cá nhân). Sau trận đánh, tôi cùng một vài đồng chí còn sống chôn cất đồng đội mình từ nửa đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Một tuần sau, tôi không thể ăn cơm vì vừa nhớ thương đồng đội vừa ám ảnh mùi mỡ người ám ảnh vào quần áo khét lẹt…” - cựu chiến binh Đỗ Văn Lộng - Trung đoàn 121 chia sẻ. Nỗi ám ảnh của chiến tranh, trăn trở với đồng đội, 30 năm nay, ông Đỗ Văn Tú cùng 20 người vẫn lặn lội vào Tây Nguyên tìm mộ đồng đội: “Năm 2012, đoàn chúng tôi đã tìm được một ngôi mộ 82 đồng chí. Đoàn đã đưa hài cốt của họ về chôn cất tại Nghĩa trang Sa Thầy (Kom Tum). Hiện nay, đoàn tìm kiếm đồng đội của chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Hội Cựu chiến binh Mỹ để tìm tọa độ mà người Mỹ đã san ủi, chôn người của ta” - ông Tú bày tỏ.

Tại sao lại là thôn Đoài?

Chiến tranh trong câu chuyện của ông Tú, ông Lộng và ông Tình khiến những đứa trẻ thôn Đoài hiểu được rằng: Chiến tranh không phải ở sách vở, mà ở ngay chính những người ông trong thôn. Những câu chuyện chia sẻ về chiến tranh, về thời bao cấp được gây dựng từ đề án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho Nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP Hà Nội”.
 Các cựu chiến binh ở thôn Đoài giao lưu chia sẻ về ký ức chiến tranh tại Nhà văn hóa thôn. Ảnh: Lan Ngọc
Nơi khởi điểm hoạt động của đề án là Nhà văn hóa thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. “Thời gian trước, Nhà văn hóa thôn Đoài cũng duy trì một số hoạt động thể thao, học hát nhưng không thường xuyên. Bà con chưa có thói quen hàng ngày ra nhà văn hóa vui chơi. Chính vì vậy, chúng tôi rất cần nhận được sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu văn hóa hướng dẫn các hoạt động thêm sôi nổi” – ông Nguyễn Văn Để - Trưởng thôn Đoài chia sẻ. “Mong muốn của chúng tôi là hoạt động của nhà văn hóa sẽ khác mọi khi, không mang hướng kỳ cuộc. Nhà văn hóa thôn phải thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân. Chính vì vậy, các thiết chế văn hóa cần thay đổi” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa, đơn vị tư vấn dự án cho biết. Sự thay đổi đó bắt đầu từ việc thành lập câu lạc bộ di sản ký ức, câu lạc bộ dạy và hát dân ca, làm hoa giấy, câu lạc bộ khiêu vũ…

Trên thực tế, để duy trì có nhiều hoạt động cho nhà văn hóa thôn như mong muốn của các chuyên gia sẽ cần số tiền đến vài trăm triệu đồng. Với một số nhà văn hóa nằm trong mô hình thí điểm thực hiện đề án, TP sẽ cấp kinh phí theo đề án Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ TP đến cơ sở. Nhiều người cho rằng, với hàng trăm nhà văn hóa đang trong cảnh đóng cửa bỏ không thì Nhà văn hóa thôn Đoài may mắn nhận được sự ưu ái của các nhà khoa học, các nhà quản lý. Tuy nhiên, theo TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa: “Đơn vị chúng tôi đã đi khảo sát 3 nhà văn hóa tại 3 quận, huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Đông Anh. Sau khi chấm điểm và bỏ phiếu khách quan, Nhà văn hóa thôn Đoài được chọn vì đảm bảo cảnh quan, có các điều kiện cơ bản theo tiêu chuẩn nhà văn hóa của Bộ… Thời gian đầu, người dân có thể chưa quen với cách thức sinh hoạt văn hóa trên, cơ quan quản lý văn hóa sẽ mời các chuyên gia tư vấn làm việc với Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi… hướng dẫn tìm các kỷ vật, câu chuyện có ngay ở nơi cư trú; cùng biên tập nội dung, tổ chức trưng bày giới thiệu… Chúng tôi khuyến khích Nhân dân tự nguyện tham gia theo sở thích, chia sẻ ký ức của mình”.

Sau khi thí điểm gây dựng các thiết chế văn hóa cho Nhà văn hóa thôn Đoài thành công, những người thực hiện đề án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho Nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP Hà Nội” sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện ở một số địa phương khác, rồi từ đó hình thành mô hình chuẩn nhân rộng ra các nhà văn hóa khác của Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần