Thổi hồn vào đá ong

Bài, ảnh: Quang Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, nghề làm đá ong - nghề riêng có của Xứ Đoài (Sơn Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) tưởng như đã bị mai một.

Thế rồi, qua bàn tay của người dân xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, từ đá ong đã phát triển thành những sản phẩm mang đầy tính nghệ thuật và có giá trị kinh tế cao.

Nghề cũ mà… mới

Từ bao đời nay, người dân Xứ Đoài chỉ khai thác và sử dụng đá ong với mục đích duy nhất là xây nhà, xây tường bao. Xứ Đoài nổi tiếng với di tích Thành cổ Sơn Tây, ngôi thành duy nhất trên đất Việt được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu đá ong bao quanh.

Một minh chứng khác cho nét đẹp, bền chắc của đá ong là những ngôi nhà có tuổi thọ cả trăm năm ở làng cổ Đường Lâm cũng được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong. Rồi những giếng cổ ở làng Đại Đồng, làng đá ong Hương Ngải (Thạch Thất), Liệp Mai, Liệp Tuyết (Quốc Oai) Cốc Thôn (Ba Vì)… đều được xây dựng bằng chất liệu đá ong từ hàng trăm năm trước nay vẫn còn.
 Chế tác đá ong ở Bình Yên.
Ngoài giá trị thẩm mỹ cao, đá ong còn có độ bền và rất hợp với khí hậu nước ta khi sử dụng làm nhà mùa Hè thì mát, mùa Đông lại rất ấm.

Những năm gần đây, ngoài làm nhà, xây tường, người dân xã Bình Yên đã phát triển nghề đá ong thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật, có giá trị kinh tế cao. Ngoài những công trình lớn như đình, chùa, nhà thờ... được biết đến nhiều, người thợ Bình Yên còn chế tác đá ong thành những con vật như voi, sư tử, rồng, ngựa và các sản phẩm trang trí khác như cột đèn, giếng...

Sáng tạo từ “hoa tay” và trí tưởng tượng

Chủ tịch UBND xã Bình Yên Lê Văn Mão cho biết, trên địa bàn xã hiện có 13 cơ sở sản xuất lớn nhỏ đã đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đá ong. Mỗi cơ sở có khoảng trên dưới 20 nhân công. Những năm trước chỉ có 1 - 2 cơ sở hoạt động do yêu thích mà làm chứ không tính đến lợi nhuận lớn về kinh tế mà nghề đá ong đem lại. “Hiện tại, nghề đá ong là “nghề kiếm cơm” nuôi sống nhiều gia đình trong xã. Đảng bộ và chính quyền xã Bình Yên luôn khuyến khích người dân giữ gìn nét đẹp truyền thống, bản sắc của địa phương mà tiêu biểu là nghề đá ong” - ông Mão chia sẻ.

Là chủ cơ sở sản xuất đá ong lớn nhất tại Bình Yên, anh Tăng Hữu Dũng cho hay, hiện tại, cơ sở có 5 thợ chuyên điêu khắc và chế tác ở xưởng, còn gần 20 lao động khác chịu trách nhiệm thi công khai thác vật liệu tại hiện trường. Về thu nhập, thợ cả có tay nghề tốt nhất trong xưởng được nhận 600.000 đồng/ngày công. Thợ phụ và thợ thi công khai thác tại hiện trường được hưởng 300.000 đồng/ngày công.

Theo chia sẻ của anh Dũng, các sản phẩm mà cơ sở làm ra thường là do đơn hàng và yêu cầu của khách đặt mẫu. Bởi vậy cũng tùy vào độ khó, kích cỡ lớn nhỏ, độ tinh xảo của từng sản phẩm mà có giá tiền theo những mức khác nhau.

Ở Bình Yên, nói đến người có “đôi bàn tay vàng” thì không thể không nhắc đến ông Trần Văn Nghiêm. Liên quan tới những đường nét hoa văn điêu khắc đá ong, người dân trong xã vẫn nói, việc khó đến mấy mà có ông Nghiêm thì cũng xong. Năm nay, ông Nghiêm 52 tuổi và có thâm niên 13 năm trong nghề tạc tượng từ đá ong. Ông tâm sự, từ khi bén duyên với nghề điêu khắc đá ong, nghề đã giúp ông có cuộc sống ổn định nuôi sống gia đình. Theo ông Nghiêm, nghề này tuy dễ làm mà lại… khó, vì không có trường lớp nào giảng dạy. Hầu hết các sản phẩm từ đá ong đều do người thợ nghiên cứu theo các hình mẫu của nghề sành sứ và nghề mộc để từ đó sáng tạo, phát triển thêm thành sản phẩm của chính mình. Cũng vì không có khuôn mẫu kích cỡ chung cho từng sản phẩm nên dù có dạy chi tiết thì cũng rất khó có thể tiếp thu. Để làm nghề, chủ yếu là người thợ phải có “hoa tay” với trí tưởng tượng tốt. Và quan trọng là phải có niềm đam mê với nghề.