[Thói hư - tật xấu trong văn hóa giao thông Hà Nội] Bài 2: Phá luật là chuyện thường

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít chủ xe, tài xế điều khiển các loại phương tiện như xe khách, taxi, xe ôm, xe công nghệ… đang ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí làm thoái trào văn hóa giao thông của Hà Nội.

Hình ảnh tham gia giao thông xấu xí của những chiếc xe này không chỉ gây mất trật tự, ATGT mà còn lan truyền thói quen nhờn luật, vô ý thức trong cộng đồng.
Tật xấu tràn lan

Hà Nội là một trong những đại đô thị đông dân cư nhất cả nước, nhu cầu đi lại của người dân cũng rất lớn. Chính vì vậy, thành phố đang có một thị trường vận tải vô cùng sôi động, cạnh tranh khốc liệt. Điều đáng nói là ý thức của các tài xế, chủ xe, chủ DN kinh doanh vận tải (KDVT) lại chưa tương xứng với sự phát triển đó, nhiều thói hư tật xấu tồn tại dai dẳng chưa hết, lại tiếp tục nảy sinh, lan truyền thêm các “chiêu trò” mới.
 Xe khách hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Chị Hồ Thị Hằng (Triều Khúc, Thanh Xuân) chia sẻ: “Mỗi khi đi lại trên đường tôi rất sợ xe tải, taxi và cả xe buýt. Các xe này chạy như đường là sân nhà mình, gây nguy hiểm cho người xung quanh”. Thực tế cho thấy, trong khu vực nội thành Hà Nội, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những chiếc taxi chạy theo kiểu bất chấp luật lệ, bất chấp gây hỗn loạn, mất ATGT. Những chiếc xe này có khi bất thình lình phanh dúi dụi giữa đường, vắt chéo qua cả dòng phương tiện để tấp vào đón khách. Có lúc lại luồn lách, vượt phải, chèn ép tất cả để ngoi lên phía trước. Nhưng khó chịu nhất là thói xấu bóp còi inh ỏi ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi dừng chờ mà đèn đỏ chưa hết cũng vẫn rú còi giục giã gây ức chế cho cả nhóm người tham gia xung quanh.

Không chỉ taxi, nhiều xe buýt tại Hà Nội cũng đang tham gia giao thông kiểu “ông kễnh” như vậy. Xe buýt vốn là phương tiện giao thông công cộng, là một nét văn minh của Thủ đô, nhưng những hành vi đi lấn làn, vượt ẩu, bóp còi, bật đèn pha trong khu vực đông dân cư lại không thiếu. Xe khách tuyến cố định còn khiến người dân ngao ngán hơn. Nhiều trục đường lớn, cửa ngõ TP như Giải Phóng, Kim Đồng, Phạm Hùng, QL5… đâu đâu cũng có những chiếc xe rùa bò, dừng đỗ ngay trên lòng đường đón trả khách, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 60.000 xe ô tô KDVT, nhưng chưa có con số nào tương đối chính xác về lực lượng xe ôm, kể cả xe truyền thống lẫn xe công nghệ. Nhưng có thể thấy, lực lượng xe ôm này chưa chắc đã ít hơn về số lượng, và không hề thua kém xe ô tô KDVT về các thói xấu trong văn hóa giao thông. Phổ biến nhất trong nhóm này là hành vi đi ngược chiều, chở hàng cồng kềnh, văng tục, chửi bậy, khiêu khích người đi đường. Anh Trần Thanh Tùng (Thành Công, Ba Đình) kể: “Có lần gặp xe ôm chở khách, chở hàng lao vun vút ngược chiều, bóp còi inh, tôi nhắc nhở liền bị chửi bới thậm tệ, xuống xe định túm lại nói chuyện thì họ phóng vụt đi mất, vô cùng ức chế”.

Bên cạnh những thói xấu cố hữu đó, thời gian qua, nhiều thói xấu mới lại nảy sinh trong nhóm xe KDVT và từ đó lây lan ra cộng đồng. Ví dụ như hành vi che, xóa, làm biến dạng biển kiểm soát để né phạt nguội, hoặc trốn tránh khi vi phạm giao thông. Phương thức này mới chỉ xuất hiện khoảng 1, 2 năm trở lại đây, và do các tài xế xe KDVT nghĩ ra đầu tiên, sau đó nhiều chủ xe cá nhân bắt chước, gây khó khăn không nhỏ cho công tác tuần tra, xử lý của lực lượng chức năng. Hay thói quen cắm cúi vào điện thoại trong khi đang điều khiển phương tiện cũng xuất hiện phổ biến nhất trong nhóm xe ôm, xe taxi công nghệ.

Sự tự tin xấu xí

Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh nhìn nhận: “Các tài xế xe KDVT lái xe hàng trăm cây số mỗi ngày, họ rất giỏi công việc này. Chính vì vậy, họ cũng rất tự tin luồn lách, xông xáo trên đường phố. Cùng với áp lực phải chạy đua để kiếm khách, tăng thu nhập, sự tự tin đó dần hóa thành xấu xí”. Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh phân tích, hành vi tham gia giao thông ích kỷ, phạm luật chắc chắn được các tài xế KDVT nhận thức là sai trái. Nhưng do hoàn cảnh thúc đẩy, phải chạy đua để kiếm thêm thu nhập, đồng thời chứng kiến các đồng nghiệp, thậm chí cả người tham gia giao thông xung quanh cũng phạm luật thường xuyên nên họ dần dần bỏ qua nhận thức đó. Sau một vài lần chạy ẩu, họ dần chấp nhận cái sai của mình như một lẽ tự nhiên mà không ý thức được hệ luỵ của mỗi hành vi sai trái dù nhỏ nhất.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long thì cho rằng, các hiện tượng phạm luật, thói quen tham gia giao thông xấu xí của xe KDVT có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Công tác giáo dục, tuyên truyền chấp hành pháp luật của một số DN vận tải cho lái xe lái xe chưa tốt, và một bộ phận hành khách cũng có ý thức chưa cao, vẫn đón xe dọc đường, thúc đẩy các tài xế sẵn sàng phạm luật để kiếm lợi. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động KDVT còn mang tính hình thức, thời vụ; chưa quan tâm, chú trọng đến việc tuyên truyền nhằm làm thay đổi ý thức người dân.

Mặt khác, công tác tuần tra, xử lý vi phạm trong hoạt động KDVT của một số bộ phận cán bộ thực thi công vụ thuộc các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương còn chưa triệt để. Lực lượng tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm còn mỏng, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc như tổ chức giao thông, xử lý vi phạm trật tự đô thị… nên việc bố trí trực chốt tại các điểm, tuyến đường xe khách thường xuyên vi phạm gặp nhiều khó khăn, dẫn tới công tác xử lý vi phạm trong hoạt động KDVT khách còn hạn chế.

Điều đáng nói, các hành vi tham gia giao thông xấu xí của xe KDVT đang tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng, bồi đắp văn hóa giao thông của Hà Nội. Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh lý giải, người dân khi tham gia giao thông thường xuyên bị gây ức chế bởi xe KDVT sẽ dần nảy sinh tâm lý phản ứng và cả a dua. Một mặt họ bài xích, lên án các thói xấu của tài xế taxi, xe ôm, xe khách, nhưng mặt khác lại ngầm bắt chước theo để lách luật, hoặc coi đó là kinh nghiệm để lưu thông dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn trong bối cảnh giao thông còn ùn tắc nhiều như hiện nay. “Nếu không triệt tiêu được các thói xấu trong nhóm xe KDVT, sẽ ngày càng có nhiều người bắt chước theo, khiến văn hóa giao thông của Hà Nội không những không phát triển mà còn thoái trào” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Anh Minh nói.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, xây dựng văn hóa giao thông cực kỳ khó, trong khi những tác động xấu khiến nó trì trệ, trồi sụt, bất ổn lại nhiều vô kể. Một trong những tác động tiêu cực nhất hiện nay chính là ý thức chấp hành luật của tài xế xe KDVT. Phần nhiều các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là do xe KDVT gây ra, kể cả xe vận tải hàng hóa lẫn hành khách. Nếu không sớm có biện pháp căn cơ, triệt để chỉnh đốn ý thức, trừ bỏ các thói xấu trong lưu thông của người điều khiển phương tiện KDVT, văn hóa giao thông của Hà Nội sẽ khó lòng phát triển bền vững, rõ nét.

"Không như các ngành nghề khác, KDVT có liên hệ mật thiết với giao thông, là động lực và cũng là thách thức với việc xây dựng văn hóa giao thông. Dù chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 10% trong tổng số phương tiện của Hà Nội, nhưng những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực của xe KDVT đến giao thông là rõ rệt nhất. Với những hình ảnh xấu xí như hiện nay, dễ hiểu vì sao xe KDVT lại là tác nhân lan truyền nhiều thói hư tật xấu trong giao thông Hà Nội." - Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần