Thói quen phải rèn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng thế hệ trẻ hiện nay đang thiếu hụt cái gọi là lòng vị tha hay sự cảm thông, thường có khuynh hướng bạo lực trong ứng xử. Khi đi đường gặp những người thiếu may mắn cũng bày tỏ thái độ coi thường, thiếu lòng trắc ẩn trong trái tim mỗi người.

 Chính điều ấy khiến người lớn phiền lòng, nhưng nhiều người quên mất rằng, chính mình ngay từ khi con còn nhỏ, đã dạy cho con bài học ăn thua đủ với người khác, dạy con nuôi dưỡng lòng ích kỷ, thù hận khi nói xấu người khác trước mặt con.

Thực tế cho thấy, lòng vị tha, sự cảm thông chưa hẳn tự nhiên mà có, đều phải qua sự giáo dục, rèn luyện mới thành. Để làm cho con biết sống vị tha, nhân ái, cha mẹ cần là tấm gương tốt cho con cái và đó là quá trình dài lâu chứ không thể một sớm một chiều mà con hiểu được. Bởi ngay từ những năm đầu đời, trước khi trở thành con người của cộng đồng, trong mỗi gia đình, trẻ là một thành viên bình đẳng trong các mối quan hệ với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Có lẽ ngoài tình yêu thương, trẻ rất cần được dạy dỗ cách ứng xử phù hợp với từng tình huống cụ thể như khi bạn tranh giành, nếu có thể thì con nhường hẳn, nếu thấy không thỏa đáng con nên thuyết phục... Giúp con cách thể hiện ý kiến và quan điểm của mình. Tạo những tình huống trong cuộc sống cho con tập chấp nhận sự khác biệt của người khác, không phải ai, cái gì, lúc nào cũng theo ý mình. Trẻ nhỏ rất hay quan sát và học theo những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hàng ngày. Hãy cho trẻ thấy sự cảm thông, yêu thương của những người lớn đối với nhau và đối với trẻ cho dù đó chỉ là một việc nhỏ nhất, bạn cũng hãy nói những lời yêu thương, bày tỏ sự tha thứ, thương cảm đúng lúc để trẻ thấy được đây là việc nên làm.

Cùng với đó, thường xuyên yêu cầu và tạo điều kiện cho con giúp đỡ những người xung quanh. Trong cuộc sống hiện đại, khi mà guồng quay vội vã của xã hội dễ khiến cho người ta hờ hững và thờ ơ với nhau hơn, giáo dục sự nhân ái, vị tha cho trẻ không còn là chuyện nhỏ. Bởi không có lòng nhân ái, biết nghĩ đến người khác như nghĩ cho mình sẽ không thể nảy sinh những điều tốt đẹp trong mỗi con người. Nếu cha mẹ là người biết đồng cảm với những người kém may mắn hơn mình, biết tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, tức là bạn đang làm gương cho con về cách sống tốt đẹp. Cha mẹ cần biết khuyến khích trẻ làm theo mình, hãy cho bé chia sẻ một phần tiền cho công việc từ thiện hoặc gom góp sách vở, quần áo, đồ chơi… cho các hoạt động từ thiện của trường, của lớp. Những năm tháng đầu đời của bé là khoảng thời gian tốt nhất để cha mẹ bắt đầu vun xới lòng trắc ẩn, sự vị tha cho trẻ, điều ấy sẽ tạo bước đệm để con phát triển toàn diện về nhân cách sau này.