Thói quen sử dụng xe cá nhân: Cản trở giao thông văn minh

Lê Minh Tiến - Sinh viên lớp TN2 - Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển ồ ạt của phương tiện cá nhân những năm qua đã tạo ra sức ép rất lớn cho giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải phát triển hệ thống giao thông đô thị hiện đại, văn minh mà chủ lực là vận tải hành khách công cộng.
Hoảng sợ trước giao thông hỗn hợp
Một “đặc sản” của giao thông Hà Nội là sự tham gia hỗn tạp của ô tô, xe máy, xe đạp thậm chí cả người đi bộ. Điều này không chỉ tiềm ẩn TNGT do không đồng đều về kích cỡ, tốc độ và khả năng quan sát của mỗi phương tiện mà còn gây ra ùn tắc, tranh lấn giờ cao điểm. Xuất phát từ thực trạng đó, đã đến lúc phân tách hệ thống giao thông một cách quy củ ngay từ bây giờ.

Hạn chế phương tiện cá nhân sẽ góp phần giảm ùn tắc và TNGT. Ảnh: Thanh Hải

Ở các nước phát triển, vận tải hành khách công cộng chiếm đến 50% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, cụ thể tại Hà Nội mới chỉ đạt 12%, cho dù năng lực vận tải của dịch vụ công cộng còn rất lớn. Có nhiều lý do khiến dịch vụ vận tải hành khách công cộng, điển hình là xe buýt chưa tạo "lực hút" đông đảo người dân. Trong đó phải kể đến cơ sở hạ tầng còn yếu, tiếp cận xe buýt khó khăn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là yếu tố chủ quan của đại đa số người dân khi vẫn kiên định sử dụng xe gắn máy, ô tô con.
Hiện tại, số lượng phương tiện cá nhân ở Hà Nội khoảng 5,5 triệu xe và không ngừng tăng lên mỗi năm. Không khó để nhận thấy xe máy chính là "đối tượng" hay giành đường khi thường xuyên lao lên vỉa hè, lấn làn ô tô và tạt đầu vào bất cứ đâu. Nghiên cứu đã chứng minh tính chủ động, cơ động của xe máy trong giao thông đang dần bị thu hẹp khi các phương tiện cá nhân đều ùn ùn lao ra đường.
Thay đổi nhận thức
Hà Nội đã có nhiều biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân nhưng chưa thật sự hiệu quả. Do đó, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng thay đổi tư tưởng đã bám rễ trong lối sống của cư dân thành thị kiểu cũ. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí có thói quen tặng phần thưởng là xe máy khi con đạt thành tích cao trong học tập ở độ tuổi được cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, chính việc làm này gián tiếp khiến tình hình giao thông đô thị thêm rối ren, mất an toàn. Tư tưởng sính xe cá nhân, nhiều khi để "khoe" hoặc tự do đi, dừng, lấn làn mọi nơi đang làm phát triển cái tôi thiếu định hướng trong một bộ phận lớp trẻ. Không ít những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi học sinh điều khiển xe máy mà thiếu kỹ năng xử lý trong hệ thống giao thông hỗn hợp.
Các phương tiện giao thông cá nhân còn là thủ phạm chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Hà Nội nhiều năm gần đây, các chỉ số ô nhiễm không khí không ngừng tăng lên gây ra nhiều bệnh đường hô hấp. Từng được mệnh danh là thủ đô xanh nhưng giờ đây hàng ngàn cây cổ thụ trong TP đang quá sức thanh lọc bầu khí quyển.
Hiện, xe buýt BRT đã đi vào hoạt động và dự tính tàu cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng vận hành vào cuối năm nay. Nếu đại bộ phận người dân vẫn duy trì thói quen lưu thông bằng xe cá nhân sẽ lãng phí quyền sử dụng dịch vụ công của mình. Để có thể tiếp cận xe buýt dễ dàng hơn, người tham gia giao thông cần hình thành thói quen của xã hội hiện đại như đi bộ khi quãng đường dưới 1km và xe đạp nếu quãng đường dưới 5km. Tất nhiên để hiện thực hóa được viễn cảnh này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải trả vỉa hè lại cho người đi bộ, dỡ bỏ những quán ăn, cửa hàng lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, bố trí các bãi gửi xe đạp hợp lý tại các điểm buýt đông người, tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp xã hội.
Tầm nhìn giao thông tương lai
Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải cho đô thị nội đô, việc kết nối các đô thị bằng các tuyến buýt là vô cùng quan trọng. Lộ trình hạn chế xe cá nhân đến năm 2030 vì thế hoàn toàn có cơ sở. Số tiền bị mất đi do ùn tắc giao thông lên đến hàng tỷ đồng mỗi giờ. Việc đầu tư xây dựng các tuyến buýt nhanh vì vậy là tầm nhìn chiến lược. Không chỉ riêng xe máy mà ngay cả ô tô cá nhân cũng cần hạn chế. Phương tiện bốn bánh tuy an toàn hơn nhưng với đặc thù đường ngõ ở Hà Nội những lần chết máy, quay đầu cũng gây ra tình trạng tắc nghẽn hàng giờ liền.
Hàng năm, Thủ đô vẫn thực hiện phủ xanh bằng hàng vạn cây trồng để thanh lọc không khí nhưng trước tiên nếu yêu Hà Nội thì đừng “xả” thêm khói ra bầu trời từ các phương tiện cá nhân. Sự vào cuộc của toàn bộ xã hội để xây dựng đô thị văn minh chắc chắn sẽ nhanh có kết quả hơn so với việc chỉ có các cơ quan công quyền thực hiện. Hy vọng, một ngày không xa, vỉa hè Hà Nội sẽ có những đàn chim bồ câu đậu xuống, người đi bộ đi làm mà không cần khẩu trang, cây xanh tỏa bóng mát khắp nơi và những tuyến buýt hiện đại đông kín người sử dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần