Thời tiết dịp Tết Nguyên đán không rơi vào rét đậm, rét hại

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương tại Hội thảo phối hợp tuyên truyền cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn do Trung tâm KTTV Quốc gia tổ chức chiều 25/1.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, hiện tượng Enso (tên gọi tắt của hai hiện tượng El Nino và La Nina) đã chuyển sang pha lạnh (La Nina) trong tháng 12/2017 và nhiều khả năng hiện tượng này sẽ không kéo dài. Các dự báo hiện tại cho thấy La Nina sẽ còn duy trì trong 3-4 tháng đầu năm 2018, sau đó chuyển dần trở lại pha trung tính trong các tháng giữa năm 2018. Dưới tác động của La Nina trong nửa đầu năm 2018, số lượng bão, ATNĐ trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc nhiều hơn một ít so với trung bình nhiều năm (TBNN).
 Ban Tổ chức trao giải Nhất và giải Khán giả yêu thích Cuộc thi ảnh về biến đổi khí hậu cho các tác giả.
Nhiệt độ trung bình trên toàn quốc trong 06 tháng đầu năm 2018 có xu hướng dao động ở mức xấp xỉ TBNN. Rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc có khả năng tập trung trong giai đoạn cuối tháng 01 và nửa đầu tháng 02/2018. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện một số đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 5-7 ngày. Trong mùa hè năm 2018, nắng nóng có xu hướng không quá gay gắt, không kéo dài và xuất hiện muộn hơn so với mọi năm.
Từ tháng 02/2018, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục có xu hướng giảm dần. Nguồn nước so với TBNN trên lưu vực sông Đà thuộc khu vực Tây Bắc có xu thế nhiều hơn từ 10-20%; trên lưu vực sông Thao và sông Lô thuộc khu vực Việt Bắc thiếu hụt khoảng 10-30%; hạ lưu sông Hồng ở mức xấp xỉ TBNN. Trong mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ2-3, một số sông suối nhỏ trên BĐ3. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, các khu đô thị và thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… có khả năng xuất hiện vài đợt ngập úng cục bộ.
Về thời tiết dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ông Lâm cho rằng, có ảnh hưởng của không khí lạnh (KKL) nhưng không rơi vào rét đậm hay rét hại ở vùng đồng bằng. Theo đó, thời tiết ở Bắc Bộ những ngày trước Tết có mưa nhỏ do ảnh hưởng của KKL, trời rét; những ngày trong Tết nhiệt độ phổ biến dao động trong khoảng 14-21 độ C, mưa không đáng kể. Thời tiết dịp Tết nguyên đán tại các tỉnh miền Nam về cơ bản là tốt, có thể xuất hiện mưa rào cục bộ (mưa trái mùa); riêng miền Trung (khu vực Bắc và Trung Trung Bộ) có thể có mưa và rét ở Bắc Trung Bộ vào những ngày trước Tết, khi chịu ảnh hưởng của không khí lạnh.
Được biết, trong năm 2017, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã theo dõi chặt chẽ và dự báo sát với diễn biến thực tế 16 cơn bão; 04 ATNĐ; 02 vùng áp thấp; 22 đợt KKL, trong đó có 04 đợt rét đậm, rét hại; 15 đợt nắng nóng trên diện rộng; 23 đợt mưa lớn; 23 đợt lũ trên các hệ thống sông. Các bản tin đưa lên website của Trung tâm, cũng như các cơ quan, ban, ngành, thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, từng bước cải tiến nội dung, hình thức và đa dạng hóa các bản tin dự báo, cảnh báo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng đối với công tác dự báo phục vụ KTTV.
Tuy nhiên, đối với các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá,… theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Ngắn hạn – Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, hiện mới chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước được từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ ra đa thời tiết.
 Trước khi diễn ra hội thảo, Ban tổ chức Cuộc thi ảnh “Con người với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước” là Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Báo Ảnh Việt Nam đã trao tặng giải thưởng cho 12 tác phẩm ảnh đơn và ảnh bộ chất lượng nhất của 11 tác giả. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác phẩm “Sống chung với lũ” của tác giả Hoàng An; tác phẩm “Sự kỳ vĩ của thiên nhiên” ( tác giả Nguyễn Hoàng) đã giành giải Khán giả yêu thích nhất do bạn đọc bình chọn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần