Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Quyết liệt hành động từ đầu năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày đầu tiên của năm mới 2019 (1/1/2019), Chính phủ liên tiếp ban hành 2 nghị quyết 01 và 02 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm mới với một tinh thần “bứt phá”.

4 trọng tâm chỉ đạo, điều hành

Năm 2019, Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực tăng trưởng, góp phần quan trọng thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì thế, Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 (Nghị quyết 01) và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (Nghị quyết 02) không chỉ đơn giản là một bản nghị quyết về kinh tế - xã hội mà là quyết tâm chính trị, khát vọng phát triển của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu bấm nút khai trương Sân bay Vân Đồn. Ảnh: Quang Hiếu
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết 01 và 02 năm 2019 mang tính phấn đấu ở mức cao với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hành động và hành động hơn nữa để phục vụ Nhân dân. Cụ thể, tăng trưởng GDP khoảng 6,8% thay vì từ 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng CPI dưới 4% thay vì chỉ tiêu khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP là 34% thay vì tỷ lệ 33 - 34%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8 - 10% thay vì mức tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất, nhập khẩu dưới 2% so với chỉ tiêu dưới 3%…

Nghị quyết 01 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể. Với Nghị quyết 02, Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng Việt Nam trong hàng loạt xếp hạng quốc tế như kiên trì mục tiêu lọt vào tốp ASEAN 4 vào năm 2021 hoặc đa phần các chỉ số lọt vào tốp ASEAN 4 để giảm chi phí cho DN, người dân; trực tiếp là tăng DN thành lập mới, giảm tỷ lệ DN ngừng hoạt động, đóng cửa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

"Trong cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi chúng ta không thể chần chừ, do dự sẽ có 2 xu hướng. Một là, chuyển đổi sản xuất hiện tại sang kinh tế thông minh hơn, tự động hóa, kết nối, tối ưu hóa phân bổ và sử dụng nguồn lực. Hai là, xu hướng nắm bắt cơ hội của công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo. Cần có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia CMCN 4.0. Các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển các dịch vụ mới. " - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung


"Mặc dù Chính phủ khẳng định sẽ “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, song rõ ràng, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2019, bảo đảm “đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018” đang là áp lực rất “nặng nề” đặt lên vai Thủ tướng cũng như toàn bộ máy. Cách nhanh nhất để thực hiện là phát triển kinh tế tư nhân, tạo ra được nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trở thành các động lực, tạo sức cạnh tranh. Chìa khóa nằm trong cải cách thể chế Nhà nước. Từ phía Chính phủ phải “nóng” hơn nữa, từ đó sẽ thúc giục cấp dưới cùng “nóng”..." - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân. Cuối cùng, tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Bước vào năm 2019, Chính phủ đánh giá, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; chiến tranh thương mại, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nặng nề. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả. Điểm mới trong Nghị quyết 01, 02/2019 khác với trước đây là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trên tinh thần DN là trung tâm, đặc biệt cần phải làm chủ các công nghệ ngoại nhập và tham gia phát triển.

Tuy năm 2018 đã chuyển biến với việc năng suất lao động tăng 5,93% (năm 2017 là 5,87%) nhưng theo tổ tư vấn của Thủ tướng, “chừng đó chưa đủ và trong những năm tới đây theo tính toán, tăng năng suất lao động phải đạt 6,2 - 6,3% mỗi năm”. Do đó, tổ tư vấn đề nghị trong năm 2019, phải làm sao nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động, từng ngành, DN phải có chiến lược thay đổi để nâng năng suất, nhất là trước cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.

Với yêu cầu tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp sáng tạo (startup), theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, hiện mới chỉ có khoảng 3.000 DN/600.000 DN của cả nước trong khi Singapore có 5 triệu dân nhưng đã có 2.400 DN startup, số vốn huy động gấp 4 lần Việt Nam. Một nhóm giải pháp quan trọng của Chính phủ là đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Ban hành Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0, khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ mới; xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia hỗ trợ nghiên cứu, phát triển.

Không để “trên nóng, dưới lạnh”

Trong bài viết đầu năm 2019, với chủ đề “Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiệm vụ trong năm tới là rất nặng nề. Do đó, người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo điều hành quyết liệt ngay từ ngày đầu năm. Thủ tướng cho rằng, các lãnh đạo chỉ hô hào thì không ăn thua, sự chậm trễ làm ảnh hưởng đến phát triển DN. Chính phủ yêu cầu phải tranh thủ thời cơ, thách thức, tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững, tạo ra chuyển động toàn bộ hệ thống, lấy hiệu quả làm thước đo cho hoạt động. “Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay, phải được tháo gỡ. Từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết ở địa phương mình” - Thủ tướng nêu rõ.

Nhiều chuyên gia độc lập đánh giá chính sách chung của nước ta tốt nhưng thực hiện cụ thể ở bên dưới liên quan đến đội ngũ công chức chưa thực sự tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

“Năm 2019 phải rà soát lại toàn bộ các thể chế quy định pháp luật, tăng giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, tạo môi trường công tác không tham nhũng, phải lấy người dân và DN làm trung tâm của sự phát triển” - Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Sự ra đời của Nghị quyết 01, 02 với những chương trình, hành động cụ thể đã và sẽ tiếp tục tạo “đòn bẩy” thúc đẩy cho phát triển kinh tế. Năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động với 12 chữ vàng là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Như vậy, đây là lần đầu tiên, Chính phủ coi “bứt phá” là một chỉ dấu hành động, qua đó bảo đảm “đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu chúng ta hành động quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, tạo được động lực, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục được những tồn tại, thì sẽ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của 2019 mà sẽ là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất. Và quan trọng là tăng trưởng bền vững, chất lượng.