Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp bách bảo đảm trật tự an toàn toàn giao thông đường sắt

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tại Bình Thuận xảy ra khiến 3 người chết, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có chỉ đạo khẩn về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm TTATGT đường sắt.

Hiện trường vụ tàu hỏa đâm ô tô ở Bình Thuận.
Văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua của Ủy ban ATGT Quốc gia nêu rõ, trong tháng 7/2019, tình hình TNGT đường sắt diễn biến phức tạp, tăng về số vụ, tăng cao về số người chết so với tháng 7/2018 và tháng 6/2019 (tai nạn đường sắt làm 20 người chết, so với tháng 7/2018 tăng 9 người (+81,82%), so với tháng 6/2019 tăng 11 người chết (+122,2%)).
Tập trung xử lý vi phạm đường ngang
Ủy ban ATGT Quốc gia nhắc lại vụ TNGT đường sắt vừa xảy ra ở tỉnh Bình Thuận đồng thời nhận định nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thiếu chú ý quan sát, kỹ năng lái xe kém khi qua các đường ngang đường sắt.
Bên cạnh đó, những vụ tai nạn nêu trên cũng có nguyên nhân từ việc người dân đã vi phạm hành lang ATGT đường sắt trong khi cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý theo quy định.
Nhằm khắc phục vụ tai nạn giao thông tại Bình Thuận, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và ngăn ngừa các vụ tai nạn có thể xảy ra, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chỉ đạo lực lượng chức năng của tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, các cơ quan liên quan phối hợp Tổng công ty đường sắt Việt Nam phân tích đánh giá xác định những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông đường sắt tăng cao trong tháng 7/2019 và đề xuất các giải pháp kiềm chế, kéo TNGT đường sắt trong thời gian tới.
Tập trung xử lý vi phạm: Mở đường ngang trái phép, xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi qua đường sắt; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến cấp cơ sở, khu dân cư Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt.
Phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt.
Tình trạng vi phạm đường ngang đường sắt đang rất phổ biến
Giao trách nhiệm người đứng đầu các địa phương
Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT cũng có văn bản đề nghị các địa phương và ngành Đường sắt tăng cường công tác ATGT đường sắt. Theo Bộ GTVT, trong 6 tháng đầu năm 2019 và đầu quý III năm 2019 xảy ra một số vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương và các đơn vị đường sắt thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra trong Năm ATGT 2019 và tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT đề nghị khẩn trương khắc phục hậu quả các vụ tai nạn; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra TNGT và có các biện pháp khắc phục các sự cố, TNGT đường sắt trong khu vực mình quản lý.
Ngoài ra, đơn vị này cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra. Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng đường gom, hàng rào cách ly, thu hẹp, xóa bỏ các lối đi tự mở; tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đường sắt và tổ chức bàn giao cho các địa phương quản lý theo quy định.
Đối với Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xảy ra TNGT.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng cần chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp với công an các tỉnh, thành phố có đường sắt và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt theo thẩm quyền.
Đối với UBND các tỉnh, TP, Bộ GTVT đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đường sắt đến các tầng lớp nhân dân. Khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo ATGT khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật về đường sắt, khi quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm đến hành lang ATGT đường sắt.
Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, TP tiếp tục giao trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo ATGT đã được phân công tại Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, TP; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt.