[Thông điệp lịch sử] Trần Thái Tông - vị vua nhân hậu

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trần Thái Tông - vị vua mở đầu cho Hoàng triều nhà Trần lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi nhưng tạo nên một sự nghiệp huy hoàng trong cả lĩnh vực quân sự, lẫn chính trị và kinh tế. Nhiều yếu tố để tạo nên thời kỳ rực rỡ này.

Trong đó, riêng xét về cách dùng người, đối xử với con người, vị vua này tỏ rõ mình là người khoan dung, độ lượng và hợp tình, hợp lý.
Trần Thái Tông (tháng 7/ 1218 - 5/5/1277) có tên khai sinh là Trần Cảnh. Ông giữ ngôi từ năm 1226 đến năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời năm 1277. Trần Cảnh sinh ra vào thời Lý, quê ở làng Tức Mặc (Thiên Trường). Năm 1226, Trần Cảnh cưới Lý Chiêu và được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi để trở thành Hoàng đế Trần Thái Tông, vị hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần nước Đại Việt.
Tránh cảnh “nồi da xáo thịt”
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, giai thoại anh em nhà họ Tào chèn ép nhau nên Tào Thực có bài “Thất bộ thi” (Thơ bảy bước) nói lên cảnh cành đậu đốt hạt đậu thê thảm: “Cùng sinh chung một gốc/Sao nỡ đốt thiêu nhau?”.
 Khu di tích đền thờ các vua Trần. Ảnh: Lam Thanh
Vua Trần Thái Tông cũng gặp cảnh trớ trêu này, thậm chí còn khốc liệt hơn nhưng cách xử sự của ông đã giúp hóa giải mâu thuẫn.
Trần Thái Tông không sinh được con với Lý Chiêu Thánh. Thái sư Trần Thủ Độ, người nắm thực quyền lúc bấy giờ đã ép anh trai của Trần Thái Tông là Trần Liễu nhường vợ đang mang thai 3 tháng cho Trần Thái Tông. Đây là việc làm với suy nghĩ sâu xa của Trần Thủ Độ: Nhà Trần chắc chắc có người nối ngôi, vì vợ Trần Liễu đã mang thai. Và vì vợ Trần Liễu đã mang thai nên sẽ có thể mang thai nữa…
Đây là việc trái lẽ thường, nhưng lúc này anh em Trần Liễu buộc phải tuân theo, do trong tình thế Trần Thủ Độ có quyền sinh, quyền sát. Tuy nhiên, Trần Thái Tông buồn về việc này nên đêm ra khỏi thành, bỏ lên núi Yên Tử, vào chùa ở ẩn, không màng đến chính sự. Trong khi đó, Trần Liễu họp quân ở sông Cái tính chuyện khởi binh.
Ở đây xin dừng lại lạm bàn: Việc sinh ra mâu thuẫn với người anh Trần Liễu không do từ vua Trần Thái Tông, bởi đó là sự sắp xếp của Thái sư Trần Thủ Độ. Ấy vậy mà vua tự cảm thấy lỗi do mình và có ý định từ bỏ ngai vàng. Việc một vị vua cảm thấy đó là lỗi của mình và có ý định từ bỏ cả ngai vàng thật là hiếm. Hơn thế, sau khi Trần Liễu ra hàng, Trần Thủ Độ toan giết ông nhưng Trần Thái Tông, khi đó đã nghe lời khuyên trở lại kinh thành, đã “lấy mình che cho Liễu” (Đại Việt sử ký toàn thư” - Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 273. NXB Văn học 2009).
“Đại Việt sử ký toàn thư” tả chi tiết khi Trần Liễu đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đền thuyền vua xin hàng: “Khi ấy, vua đang ở thuyền lớn, nhìn nhau khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét to: “Giết chết tên giặc Liễu”. Vua giấu Liễu ở trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ rằng: Phụng Càn Vương (Phụng Càn là hiệu cũ của Liễu về thời nhà Lý) đến hàng đó thôi, và lấy mình che đỡ cho liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết anh em nhà ngươi thuận nghịch như thế nào?”.
Cái cách lấy thân mình che cho anh miêu tả đầy đủ tình thân ái giữa anh em nhà họ Trần, thực khác xa với anh em nhà họ Tào nói trên. Sau đó, vua cấp đất cho Trần Liễu ở và phong Trần Liễu làm An Sinh Vương.
Trần Thái Tông với tấm lòng nhân hậu của mình, với việc lấy thân mình che chở cho người anh, không ngờ đã tạo ra phúc vô cùng lớn cho dân tộc, cho nước Đại Việt. Bởi sau đó, An Sinh Vương Trần Liễu đã sinh ra vị Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, người góp công lớn 3 lần đai phá quân Nguyên Mông, đặc biệt ở hai lần sau đóng vai trò chủ chốt. Chắc chắn, Trần Quốc Tuấn đã biết câu chuyện giữa cha mình và vua Trần Thái Tông, cảm động trước cách đối xử của nhà vua nên bỏ thù nhà lo việc đất nước.
Sách sử cũng ghi lại câu chuyện nữa về sự nhân hậu, bao dung của Trần Thái Tông trong việc tha tội cho Hoàng Cự Đà trong thời gian đánh giặc Mông Cổ lần thứ nhất (1928). Sách sử ghi lại:
Trước kia có lần vua ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn:
- Quân Nguyên ở đâu?
Cự Đà trả lời:
- Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy!
Đến đây, thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội”.
Vua Trần Thái Tông với tấm lòng vị tha của mình đã dùng người rất giỏi. Ông ngoài việc tin tưởng Thái sư Trần Thủ Độ, còn sử dụng nhiều người tài khác như Lê Phụ Trần, Trần Quốc Tuấn…
Thành tựu rực rỡ
Sau khi qua tuổi 20 (năm 1237), hết thời gian có chế độ phụ chính, vua Trần Thái Tông nắm thực quyền và tự mình gánh vác giang sơn, về quân sự đã xây dựng được đội quân hùng mạnh, cải cách về kinh tế, thiết lập nền giáo dục Tam giáo đồng nguyên.
Nói đến thành tựu quân sự, vua Trần Thái Tông, với sự giúp sức của Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Lê Phụ Trần, Trần Khánh Dư…, đã đích thân cầm quân đánh tan cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258). Nên nhớ lúc bấy giờ, đội quân Mông Cổ, chủ yếu là kỵ binh, rất hùng mạnh.
Mông Cổ đánh xuống phía Nam, tiêu diệt Tây Hạ (1227) và Kim (1234). Sau đó, họ tràn qua phía Tây Á, xâm chiếm nhiều nước, tràn qua châu Âu, tiến đến phía Nam thôn tính nhà Tống… Họ tiếp tục tiến xuống phía Nam với thế chẻ tre hòng thôn tính Đại Việt. Vua Trần Thái Tông một mặt cử Trần Quốc Tuấn huy động quân thủy bộ trấn giữ biên giới, mặt khác chiêu mộ quân, sắm sửa vũ khí… chuẩn bị kháng chiến.
Theo sách sử kể lại, khi quân của Ngột Lương Hợp Đài tràn sang, năm 1258, vua Trần Thái Tôn đích thân đốc chiến, đi trước xông pha… Điều này chứng tỏ, đây là vị vua giỏi võ nghệ, dũng cảm. Do đó, ông đã rơi vào hoàn cảnh dưới mưa tên của giặc, nhờ Lê Phụ Trần bóc ván thuyền che mới thoát chết. Trần Thái Tông không nghe lời của một vị vương là “nhập Tống” để lánh nạn mà nghe theo Trần Thủ Độ cương quyết kháng chiến, khi Thái sư nói: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả”.
Cuối cùng, vua Trần Thái Tông và tướng sĩ đã chiến thắng quân Nguyên Mông. Vua đã cầm quân phản kích ở bến Đông Bộ Đầu, khiến quân Mông Cổ tháo chạy. Đây là chiến thắng có ý nghĩa vô cùng to lờn không chỉ cho nước Đại Việt mà cho cả thế giới: Khi vó ngựa quân Mông Cổ giày xéo, tung hoành khắp châu Á, châu Âu, chính Đại Việt dưới sự chỉ huy của Trần Thái Tông là nước đầu tiên ngăn chặn được và thắng được quân Mông Cổ.
Các nhà sử học trên thế giới nhận xét, trận thắng của Đại Việt đánh dấu bước lùi đầu tiên của quân Mông Cổ trong tham vọng chiếm cả hành tinh. Điều này khiến giặc Mông Cổ ngỡ ngàng và tạo cơ sở niềm tin cho hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 và lần 3 sau này của Đại Việt chiến thắng.
Trong kinh tế, giáo dục, dưới thời vua Trần Thái Tông cũng đạt được nhiều thành tựu. Vua cho sửa sang đê điều thành lũy, mở thi cử chọn người tài, ban hành hình luật… Đây là thời kỳ vua cho bán ruộng công lấy tiền, cho Nhân dân mua làm của tư. Vua Trần Thái Tông cũng là người cho khôi phục hội Minh thề (thệ), theo thời nhà Lý.
Sách sử chép: “Hàng năm ngày 4/4, tể tướng và trăm quan, lúc gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh; trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra; đều đủ nghi trượng ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan Trung thư đọc lời thề rằng: “Làm tôi hết trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết” (Sđd, trang 267).
Sau chiến thắng quân Mông Cổ, vua Trần Thái Tông đã nhường ngôi cho con mình, kết thúc sự nghiệp trị vì đất nước nhiều gian truân nhưng cũng đầy vinh quang. Vua đã chứng tỏ mình là minh quân, trí dũng hơn người và bao trùm đó là tấm lòng nhân hậu, cách dùng người đúng đắn. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Vua là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt giường giăng mối chế độ nhà Trần tốt đẹp”.

Sau chiến thắng quân Mông Cổ, vua Trần Thái Tông đã nhường ngôi cho con mình, kết thúc sự nghiệp trị vì đất nước nhiều gian truân nhưng cũng đầy vinh quang. Vua đã chứng tỏ mình là minh quân, trí dũng hơn người và bao trùm đó là tấm lòng nhân hậu, cách dùng người đúng đắn. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Vua là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt giường giăng mối chế độ nhà Trần tốt đẹp”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần