Thí sinh thích thú với thông điệp trong đề thi môn Ngữ văn

Oanh Trần - Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề thi chuyên Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT chuyên của TP Hà Nội năm nay vẫn giữ cấu trúc quen thuộc với 2 câu hỏi về nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đề thi đã đưa đến các thí sinh thông điệp “Sống là chính mình”.

Nhiều thí sinh thoải mái khi đã hoàn thành xong môn thi điều kiện vào trường chuyên tại điểm trường THPT chuyên Chu Văn An. Ảnh: Phạm Quý 

Nhiều thí sinh thi môn Ngữ văn chuyên chiều nay cho biết rất thú vị với câu 1, yêu cầu trình bày suy nghĩ về của mình về câu ngạn ngữ Pháp “Đừng sống theo điều anh ước muốn mà hãy sống theo điều anh có thể”. Còn Nelson Mandela lại khẳng định: “Người chiến thắng là người biết ước mơ và không bao giờ bỏ cuộc”. “Hai câu này đã chạm tới suy nghĩ của chúng em - những người đang bước vào kỳ thi quan trọng này. Để làm câu hỏi này, nếu tinh ý, các bạn thí sinh có thể đưa thực tế từ chính kỳ thi chuyển cấp này vào bài làm của mình thì sẽ được điểm cao” - Ngô Thị Việt Hương - học sinh trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) thi tại điểm trường THPT chuyên Chu Văn An nhận xét.

Theo nhận định của các giáo viên tổ Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI, 2 vấn đề này đều nói về việc con người sống cần có ước mơ, hoài bão, quyết tâm vượt qua thất bại để theo đuổi mục tiêu đến cùng, sống là chính mình. Đây cũng là vấn đề rất quen thuộc, gắn liền với cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ.

 

Tuy nhiên, để làm được câu này, các thí sinh phải hiểu đúng và giải thích rõ các khái niệm “Sống theo điều anh ước muốn”, “Sống theo điều anh có thể”, “Người chiến thắng”, “Ước mơ”, “Không bao giờ bỏ cuộc” để làm tiền đề để triển khai những bình luận, đánh giá. Tất nhiên, thí sinh cũng phải có kiến thức hiểu sâu rộng về những giá trị sống của con người thì mới có thể đạt 4 điểm tối đa dành cho câu này.

Với câu hỏi 2 nghị luận văn học (6 điểm) yêu cầu thí sinh chỉ rõ chất thơ nằm ở ngoài lời, ở những chỗ im lặng qua việc phân tích trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều) và bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy). 2 tác phẩm này thuộc chương trình lớp 9 nhưng đòi hỏi học sinh phải có kiến thức vững về lý luận và văn học, cũng như hiểu sâu về nội dung, nghệ thuật tác phẩm thơ.

Thí sinh cũng phải chỉ ra chất thơ không chỉ nằm ở nội dung, tư tưởng của tác phẩm, trong hình thức ngôn ngữ, hệ thống hình ảnh và giọng điệu thơ mà phải chỉ ra được thơ nằm ở ngoài lời thơ “ý tại ngôn ngoại” và sự đồng điệu của tác giả đối với nhân vật trữ tình.

Cùng với đó, thí sinh cũng phải thật sự am hiểu sâu sắc tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích và bài thơ Ánh trăng mới có thể hiểu đề và làm được bài thi một cách tốt nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần