[Thông điệp từ lịch sử] Những thuộc tướng của Trần Quốc Tuấn và bài học chim hồng hộc

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lịch sử ghi nhận chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông.

Đằng sau chiến công của ông còn có sự giúp sức đắc lực của những thuộc tướng, những người ông gọi là lông cánh của chim hồng hộc, giúp chim có thể bay cao, bay xa.
Sách sử ghi nhận, Trần Hưng Đạo có 5 dũng tướng luôn bên ông, họ là những gia nô, môn khách, gồm: Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô. Mỗi người có một biệt tài, là những mãnh tướng giúp Trần Hưng Đạo bất khả chiến bại.
Tuy nhiên, không có nhiều sách sử ghi lại tỉ mỉ thân thế, sự nghiệp của các dũng tướng này, thậm chí có người chỉ có vài dòng thoảng qua trong chính sử, như của Nguyễn Địa Lô; người chỉ được ghi dấu ở nơi nào đó và mặc nhiên được thừa nhận như trường hợp của tướng Đại Hành. Tuy nhiên, những dũng tướng này cùng với thời gian vẫn được Nhân dân lưu truyền và tưởng nhớ.
Những mãnh tướng
Tướng Yết Kiêu là “gia nô” của Trần Hưng Đạo, tên thật của ông là Phạm Hữu Thế, quê xã Hạ Bì, huyện Gia Lộc, Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Sách sử thường nói về ông như một người có tài bơi lội một cách đặc biệt. Tuy nhiên, có lẽ mọi chuyện được huyền thoại hóa bởi dật sử (loại ghi chép ngoài chính sử) và bởi truyền miệng dân gian. Câu chuyện như sau:
Tương truyền Yết Kiêu hằng ngày đi mò cua, bắt ốc. Ông là người có sức khỏe phi thường. Một hôm, ông thấy hai con trâu trắng húc nhau trên bãi cát, bèn dùng gậy phang, khiến hai đâu chạy biến xuống nước. Ông mới biết hai con trâu này là trâu thần, thấy gậy còn dính 2 cọng lông và dường như nó sắp tan biến, ông liền nuốt lấy. Từ đó, ông bơi lặn giỏi, bơi lặn hàng mấy dặm như đi trên đất bằng.
Đền Quát - thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương thờ tướng Yết Kiêu.
Một truyền thuyết dân gian khác kể lại rằng: Ở làng Kiến Xá, xứ Sơn Nam (cạnh sông Hồng, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư), có người con gái bơi lội rất giỏi, có thể lặn dưới nước hàng giờ, được người dân gọi là “Bà chúa bơi”. Thuở nhỏ, Yết Kiêu kiếm sống bằng nghề sông nước phiêu bạt tới làng Kiến Xá. “Bà chúa bơi” thấy Yết Kiêu tài giỏi lại chịu khó liền nhận làm con nuôi và truyền thụ cho bí quyết bơi lội...
Dài dòng kể lại câu chuyện để thấy tài bơi lặn của Yết Kiêu đã trở thành huyền thoại, để rồi có câu chuyện đêm đêm ông lặn xuống sông đến thuyền địch và đục… Sự thực, một danh tướng như Yết Kiêu không chỉ có tài của một chiến binh sông nước, tầm vóc của ông còn lớn hơn như vậy rất nhiều.
Trong Đại Việt Sử ký tiền biên có ghi: “Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng đánh nhau với quân Nguyên ở bãi Đà Mạc, thua trận chết. Trước đó, Hưng Đạo Vương xuất quân, chọn Bình Trọng làm tiên phong, sai Dã Tượng đem chiến thuyền đến sông Lục Đầu, qua Cự Công, huyện Vĩnh Lại, liền với Nông Kỳ. Yết Kiêu đem hơn trăm chiến thuyền đóng ở sông Bộc từ xa gây thanh thế hỗ trợ nhau”. (Đại Việt sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ, NXB Khoa học xã hội, 1997, trang 336).
Như vậy, tầm vóc của Yết Kiêu là một vị tướng chỉ huy thủy quân, người luôn sát cánh với Trần Hưng Đạo trong các chiến dịch lớn, nhỏ.
Gắn liền với Yết Kiêu là danh tướng Dã Tượng (cũng là “gia nô” của Trần Quốc Tuấn, không rõ tên tuổi, nhưng được chính sử như Đại Việt Sử ký toàn thư ghi nhận). Nếu như Yết Kiêu được nhắc đến với tài bơi lội thì Dã Tượng gắn với việc huấn luyện và chỉ huy lực lượng voi chiến. Thời bấy giờ, tượng binh là một lực lượng đặc biệt và độc đáo của Đại Việt. Dân gian thường có câu, bên cạnh chủ tướng Trần Hưng Đạo, còn có: “Tả Yết Kiêu hữu Dã Tượng”. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Dã Tượng chỉ huy đội tượng binh và trực tiếp cầm quân đánh giặc.
Danh tướng Nguyễn Địa Lô cũng là “gia nô” của Trần Quốc Tuấn, ông không có biệt danh như hai vị tướng kia, được lưu truyền như là một “thần tiễn”. Năm 1285, khi đạo quân của Toa Đô vừa từ Chiêm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng nhà Trần là Trần Kiện chỉ huy quân phòng thủ ở Nghệ An đã đầu hàng giặc. Nguyễn Địa Lô trong trận tập kích đội quân Trần Kiện chạy sang Trung Quốc đã bắn chết Trần Kiện.
Bài học của chim hồng hộc
Trong cuộc chiến Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ 2, năm 1285, quân nhà Trần buộc phải rút quân trước sức mạnh như vũ bão của địch. Sách sử kể lại: “Trước đây, Hưng Đạo Vương có gia nô là Yết Kiêu, Dã Tượng đối đãi rất hậu. Đến khi quân Nguyên đến, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân. Dã Tượng thì theo (Trần Quốc Tuấn - NV) đi.
Lúc quan quân thua trận, thuyền quân đều chạy tán loạn, vương muốn đi theo lối chân núi. Dã Tượng nói: Yết Kiêu chưa thấy Đại vương tất không dời thuyền đi chỗ khác. Vương đi ngay đến Bãi Tân, duy có thuyền của Yết Kiêu vẫn ở đấy. Vương mừng lắm, nói rằng: Chim hồng hộc bay được cao nhờ ở sáu lông cánh, nếu không có sáu cái lông cánh ấy thì cũng như chim thường thôi. Vương nói xong thì thuyền chèo đi, quân kỵ của giặc đuổi theo không kịp. Vương đến Vạn Kiếp, chia quân đóng giữ ở Bắc Giang” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 304).
Ở đây có thể rút ra hai vấn đề. Thứ nhất, Dã Tượng hiểu rất rõ tính kiên định, lòng trung thành của Yết Kiêu. Thứ hai, Trần Quốc Tuấn ví ông như chim hồng hộc (loài chim bay cao và xa, được ví như người có chí hướng và khả năng lớn lao) và ông thừa nhận những thuộc tướng của mình như Dã Tượng (người đã khuyên ông nên tin tưởng Yết Kiêu) và Yết Kiêu (trung thành tuyệt đối với chủ tướng, đậu thuyền chờ ông dù có thể nguy hiểm đến tính mạng)… là những cái lông cánh giúp nâng đỡ chim hồng hộc bay cao, bay xa, không có họ thì ông cũng giống như người thường mà thôi.
Ý thức được tầm quan trọng của các thuộc tướng, Trần Quốc Tuấn thường bàn bạc với họ những chuyện lớn, những vấn đề mang tầm vóc quốc gia, ảnh hưởng đến cả một triều đại để có quyết định đúng đắn nhất. Ví dụ, Trần Quốc Tuấn từng nhớ đến lời cha là An Sinh Vương Trần Liễu dặn trước khi mất là phải “lấy được thiên hạ”, ông đem lời cha dặn nói với gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng.
“Hai gia nô can rằng: Làm kế ấy tuy được phú quý một lúc mà lại để tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại vương há chẳng phú quý hay sao! Chúng tôi thề chết già làm gia nô chứ không muốn làm quan mà Duyệt làm thầy mà thôi. Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, rồi khen ngợi mãi” (Sđd, trang 330).
Có được những thuộc tướng vừa tài giỏi, vừa trung thành, biết vì nước, vì nghĩa lớn mà quên đi những lợi ích riêng cho bản thân như Yết Kiêu, Dã Tượng..., Trần Quốc Tuấn mới phát huy được hết khả năng của mình và trở thành vị tướng khiến giặc Nguyên Mông chuốc lấy thất bại và khiếp sợ.
Có người thử hỏi, tại sao Yết Kiêu, Dã Tượng... chỉ là “gia nô” chứ không ở vị trí xã hội cao hơn và tại sao họ có những biệt danh xấu xí là Voi rừng (Dã Tượng), “Chó mõm ngắn” (Yết Kiêu). Thân phận thấp, biệt danh xấu xí, đó là góc nhìn của chúng ta ở thời hiện đại. Thời xưa, nhà Trần chẳng hạn, đó là những biệt danh thường gắn với những dũng tướng (hổ hay báo là nhiều nhất), cũng có khi là biệt danh để che dấu thân phận. Về “gia nô” cũng vậy. Họ chỉ là người thuộc về một gia đình thế lực nào đó thôi (những gia đình có quyền thu nhận gia nô theo luật định), nhưng gia nô ở Vương phủ thì thân phận họ không tầm thường.
Như Yết Kiêu và Dã Tượng, họ là tướng tâm phúc, những người bàn việc lớn với Trần Quốc Tuấn, họ không ra làm quan, dù Trần Quốc Tuấn được vua cho tự quyền ban đến tước Hầu mà không cần báo với vua. Nói tóm lại, những Yết Kiêu và Dã Tượng góp công với đất nước gắn với cuộc đời và sự nghiệp của chủ tướng của họ là Trần Quốc Tuấn, họ làm lông cánh cho chim hồng hộc tung bay trên trời cao lồng lộng, vùng vẫy bốn phương đầy oai vũ.
Có được những thuộc tướng vừa tài giỏi, vừa trung thành, biết vì nước, vì nghĩa lớn mà quên đi những lợi ích riêng cho bản thân như Yết Kiêu, Dã Tượng..., Trần Quốc Tuấn mới phát huy được hết khả năng của mình và trở thành vị tướng khiến giặc Nguyên Mông chuốc lấy thất bại và khiếp sợ.