[Thông điệp từ lịch sử] Quan niệm cai trị đất nước của cha ông ta

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những từ "cai trị", "thống trị" và "bị trị" bây giờ chúng ta không quen nghe, quen dùng, đến mức như thể không còn tồn tại sự thống trị, người cai trị và người bị trị nữa. Thật ra thì nó vẫn đó, trong lịch sử loài người từ xưa đến nay. Cha ông ta có những quan niệm về cai trị đất nước mà cho đên nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi.

Sự cai trị là khái niệm kinh điển, người thống trị và người bị trị, dù tên gọi khác nhau theo từng thời đại, từng đất nước, vẫn là hai thực thể tồn tại khách quan. Cai trị không phải là trừng trị, là đè đầu cưỡi cổ như cách hiểu của một số người, số lúc nào đó mà nghĩa khởi thủy, nghĩa chân chính của nó thì cai trị là trông coi, quản lý đất nước (trị quốc) cho yên ổn. Vì vậy, thừa nhận thực tại này, ta có thể hiểu sâu thêm về chính trị; tiếp cận được vấn đề một cách đơn giản, để cùng góp sức làm cho sự cai trị - tức là quản lý đất nước, kiểm soát quyền lực, thực hiện dân chủ một cách thực chất và hữu hiệu.
Tư tưởng của ông cha ta về chính trị
Chính trị là cai trị, quản lý đất nước một cách ngay thẳng, hợp với lòng người, đạo trời.
Các nhà nước của ta trong lịch sử được xây dựng từ hai hướng: Một là từ tư tưởng chính trị của Nho gia mà tiêu biểu là của Khổng tử; hai là từ tinh thần cộng đồng Việt, nơi gia đình, xóm làng, họ tộc - tức là sự thương yêu, đoàn kết, bình đẳng làm nòng cốt.
 Vua Lê Thánh Tông - tranh minh họa.
Về tư tưởng Nho gia, có thể tóm tắt như sau: Ông vua là “Thiên tử”, là “con trời”, là người “thế thiên hành đạo”. Một xã hội tốt là xã hội “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Sự cực đoan của chế độ quân chủ, sự tàn bạo của những ông vua hôn ám khiến người ta hiểu sai ý nghĩa của chữ “thiên tử”. Chữ “Đạo” trong các từ điển của Trung Hoa về nghĩa đen là con đường, sự chỉ đường, phương pháp…; nghĩa rộng là Đạo trời, là Tự nhiên, là sự vận hành đúng quy luật của vũ trụ. Thiên - Địa - Nhân là một thể thống nhất, đều chịu sự chi phối của Đạo. Vì thế, Đạo là cái Tận Thiện, Tận Mỹ. Nói “thế thiên hành đạo” là đề cao vai trò, là yêu cầu nhất thiết đối với người đứng đầu quốc gia để cho Đạo Trời được tỏa sáng.
Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử là vua ra vua, quan ra quan, cha ra cha, con ra con. Đây cũng là mối quan hệ cơ bản trong xã hội. Vua thì phải sáng, tôi thì phải trung, phải hiền (hiền tài); cha thì phải hiền lành, độ lượng, con thì phải hiếu thảo. Quan không tiếm quyền vua, con không tiếm quyền cha. Bản thân vua và cha phải chính đính, phải giữ cho xã hội được ngay thẳng.
Đó là giáo lý, đạo lý. Trong cuộc sống có nhiều biến thái, có sự tha hóa. Không nên vì tha hóa mà phủ nhận đạo lý. Ngay cả chết để bảo vệ đạo lý cũng cần thiết đối với Nho gia. Mạnh tử khẳng định:
Sinh mệnh, là thứ mà ta muốn, đạo nghĩa, cũng là thứ mà ta muốn. Nếu cả hai đều không thể đồng thời được đến, ta sẽ chọn bỏ đi sinh mệnh để giữ lấy đạo nghĩa.
Ông cha ta thực thi chính trị như thế nào?
Bây giờ, chúng ta xét đến tư tưởng chính trị và việc thực thi chính trị ấy của ông cha ta.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời Hùng Vương được tính từ 258 trước Công nguyên (Âu Lạc) cộng với khoảng hơn 2.600 năm về trước.
Kết quả khảo cổ, di tích, địa danh, truyền thuyết ở nước ta, sử sáchTrung Quốc và Việt Nam - tuy không nhiều - nhưng đều có viết về thời kỳ này. Lĩnh Nam trích quái (đầu thế kỷ XV) viết: “Hùng Vương sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan lang, con gái gọi là Mỵ nương, quan hữu ty gọi là Bồ chánh, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi”. Lê Quý Đôn, trong Vân đài loại ngữ, chép lại sách Phiên ngung tạp ký như sau: “Đất Giao chỉ... xưa kia có quân trưởng gọi là Hùng Vương, tướng văn là Hùng hầu, tướng võ là Hùng tướng”. Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Lúc bấy giờ, vua tôi cùng đi cày, cha con tắm cùng (sông) không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền thứ bậc”. Truyện bánh chưng, bánh dày cũng nói lên tinh thần hòa mục ấy.
Khi vua Lê Đại Hành (941 – 1005) hỏi nhà sư Đỗ Pháp Thuận vận nước ngắn dài thế nào, làm thế nào cho được dài lâu, nhà sư đã trả lời bằng bài thơ “Quốc tộ” (Ngôi nước):
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
Ý chủ đạo của bài thơ này là ở chữ “vô vi”, nhà vua không làm cái gì trái đạo thì đất nước được thái bình. Trong bài Nam quốc sơn hà tương truyền là của Lý Thường Kiệt, ít nhất là được Lý Thường Kiệt sử dụng như một vũ khí lợi hại đánh giặc, thì việc “trị nước” trước hết là giữ nước, là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Hầu hết các nhà lãnh đạo đất nước (vua) ở nước ta trước đây là Anh hùng giải phóng dân tộc (Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Quang Trung…); hoặc người hiền tài như Lê Thánh Tông, Mạc Đăng Dung…; đều là những người có ý chí tự cường và nặng lòng thương dân. Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi là “người phát ngôn” của các thời đại tiến bộ, đã khẳng định được bản chất của nền chính trị nước nhà.
Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn viết: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này bọc trong da ngựa, ta cũng cam lòng… Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”…
“Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cũng khẳng định:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Đó là một nền chính trị lấy nhân nghĩa làm đầu; lấy yên dân, hạnh phúc của Nhân dân làm mục đích.
Những tuyên ngôn này là lịch sử, là chính sử không thể chối cãi. Còn các sách sử của mỗi triều đại, bên cạnh những giá trị tư liệu quý hiếm, thế nào cũng có những bình luận, những cách nhìn không khách quan khi tôn trọn cái đương đại, coi thường quá khứ; tôn trọng triều đại của mình, chê bai các triều đại khác.
Đó là những quan điểm không đúng đắn mà hiện nay chúng ta phải vượt qua; phải biết tiếp thu những giá trị tốt đẹp của truyền thống chứ không thể phủ nhận sạch trơn, không thể coi mình là bố tướng thiên hạ!
Vấn đề là cần nắm vững những giá trị tinh hoa ấy, phát huy những giá trị đó trong cuộc sống hôm nay.

Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” chép: “Lúc bấy giờ, vua tôi cùng đi cày, cha con tắm cùng (sông) không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền thứ bậc”. Truyện bánh chưng, bánh dày cũng nói lên tinh thần hòa mục ấy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần