[Thông điệp từ lịch sử]Trận chiến thành Hà Nội và tấm lòng Nguyễn Tri Phương

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 1873, quân viễn chinh Pháp bất ngờ đánh úp thành Hà Nội và nhanh chóng chiếm được thành trì này. Tuy nhiên, họ không thể “đánh chiếm” được tấm lòng trung nghĩa son sắt của những người giữ thành, trong đó người tiêu biểu là tướng chỉ huy Nguyễn Tri Phương.

Trận đánh thành Hà Nội lần thứ nhất của quân đội Pháp vào ngày 20/11/1873 diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, để rồi thành lũy trọng yếu phía Bắc thất thủ. Trận đánh chỉ được ghi lại vài dòng vắn tắt trong các trang sử. Dù vậy nó đầy tính bi hùng, tạo một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử giữ nước, chống giặc ngoại xâm của Việt Nam.
Trận đánh chớp nhoáng
Như đã nói, sử sách không nhắc nhiều đến trận đánh này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu người Pháp André Masson đã cho đăng lại bức thư của viên sĩ quan chỉ huy trận đánh Francis Garnier báo cáo với đô đốc xứ Nam kỳ Marie Jules Dupré về trận đánh này (trang 238, Thành Hà Nội - André Masson, sách Một số tư liệu quý về Hà Nội, NXB Trẻ 2010).
 Bức tranh miêu tả trận quân Pháp tấn công thành Hà Nội.
Báo cáo về trận đánh khá chi tiết về thời gian, cách đánh, diễn biến… Điều quan trọng là nét chính của báo cáo gần như phù hợp với những gì được ghi vào các sách sử như: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện (Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn), Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim)…
Theo báo cáo của Garnier, trận đánh bắt đầu diễn ra vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 20/11/1873, toán thứ nhất gồm 30 thủy binh và 1 khẩu pháo do trung úy Bain de Coquerie chỉ huy lên đường tới cửa Tây Nam thành Hà Nội. Vào 5 giờ 45 phút, toán thứ hai gồm 30 bộ binh hải quân do Trentinian chỉ huy tiến đến cửa Đông Nam. Lúc 5 giờ 50 phút, Esmez dẫn 30 thủy binh và 3 khẩu pháo cũng tiến vào cửa Đông Nam.
Đúng 6 giờ, Garnier dẫn tốp lính của Trentinian đặt chân lên cầu của lũy bán nguyệt Đông Nam, bắn súng công thành. Lúc này 2 pháo ngoài thuyền ở sông Hồng bắn vào thành. Quân giữ thành bất ngờ và không biết chính xác các mũi công thành…
Garnier mở được cổng thành và không ngờ giáp mặt vị tướng được Pháp lúc bấy giờ đánh giá là “vị tướng giỏi nhất của đế quốc An Nam”: Nguyễn Tri Phương. Vị tướng già đang chỉ huy giữ thành.
Thành thất thủ, Nguyễn Tri Phương trúng đạn ở bụng, bị thương nặng. Ông nhất quyết không uống thuốc của quân giặc, đồng thời tuyệt thực và có câu nói bất hủ: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Một tháng sau đó, ngày 20/12/1873, Nguyễn Tri Phương qua đời. Với câu nói này, vị tướng già tỏ lòng vong thân báo quốc. Con trai của ông, một phò mã, là Nguyễn Lâm cũng tử trận khi đánh trận giữ thành.
Sách Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) nhận xét về Nguyễn Tri Phương: "Ông Nguyễn Tri Phương là người ở Thừa - Thiên, do lại - điển xuất thân, làm quan từ đời vua Thánh - tổ, trải qua ba triều, mà nhà vẫn thanh - bạch, chỉ đem trí - lự mà lo việc nước, chứ không thiết của - cải. Nhưng chẳng may phải khi quốc bộ gian nan, ông phải đem thân hiến cho nước, thành ra cả nhà cha con, anh em đều mất vì việc nước. Thật là một nhà trung - liệt xưa nay ít có vậy."
Khi cho Võ Hiển điện Đại học sĩ Nguyễn Tri Phương kiêm cai quản công việc bộ Lại, vua Tự Đức bảo rằng: “Ngươi vốn là người công bằng, trung trực có tiếng, cất, bỏ nhân tài, làm cho quan lại trong sạch, khiến cho trong ngoài đều được người giỏi để giúp cho được việc”.
Trên thực tế, Nguyễn Tri Phương là vị tướng “đánh Đông, dẹp bắc”, tham gia nhiều chiến trận. Cuộc đời oanh liệt của ông gắn với việc làm Tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Vị tướng được tôn thờ cùng em ruột và con trai
Lịch sử ghi nhận: Nguyễn Tri Phương cùng em ruột là Nguyễn Duy, con trai Nguyễn Lâm là những người có công chống giặc ngoại xâm, giữ nước và cả 3 đều hy sinh.
Ngày 24/2/1861, quân Pháp tấn công Đại đồn Chí Hòa, quân ta chống cự quyết liệt nhưng trước hỏa lực quá mạnh của địch, đại đồn thất thủ, Gia Định lại bị chiếm. "Nguyễn Duy ra sức đánh lại, bị tử trận, thi hài tan nát, xác đã biến, không nhận rõ được hình người nữa. Có người biết được dấu áo ông thường mặc, bèn lượm xác đem về táng ở cửa Đông thành Biên Hòa" (theo Điếu Nguyễn Duy của Nguyễn Thông). Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển bị thương nặng, phải rút quân về Biên Hòa đắp đồn lũy, lập trận tuyến phòng thủ.
Tán lý quân vụ Nguyễn Duy (1809 - 1861) tự là Nhữ Hiền, em ruột Nguyễn Tri Phương, thi đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ vào năm 1842. Năm 1860 ông được phong chức Gia Định quân thứ Tán lý quân vụ, trông coi việc quân sự ở Gia Định cùng Thống đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển.

Phò mã đô úy Nguyễn Lâm (1844 -1873) là con trai thứ hai của Nguyễn Tri Phương, ham học, khiêm cung, được vua Tự Đức gả em gái là công chúa Đồng Xuân (con vua Thiệu Trị) và phong cho chức Phò mã đô úy. Ngày 20/11/1873, khi quân Pháp do Francis Garnier chỉ huy tấn công thành Hà Nội, Nguyễn Lâm đến thăm cha, gặp lúc nguy nan đã tham gia chỉ huy giữ cửa thành Đông Nam và trúng đạn tử trận. Đối với Phò mã Nguyễn Lâm, vua Tự Đức ban dụ rằng:
Làm tôi mà chết trung, làm con mà chết hiếu là quy tắc của muôn đời. Nguyễn Lâm không có trách nhiệm gì đến việc giữ thành, mà biết hiếu nghĩa như thế, ơn nước, tiếng nhà hai đàng không hổ thẹn, so với đám con em tầm thường của bọn quý phái khác, cùng những kẻ lúc bấy giờ bỏ quan, tìm nơi tiện lợi cho mình há chẳng càng nên khen thưởng ư? Vậy tặng cho Lâm làm Thị lang Bộ Binh chiếu hàm mà cấp tuất; lại cho thêm 300 quan tiền, để khuyến cho những người trung hiếu sau này. Và sai quan tỉnh Hà Nội sức cho dân phu hộ tống quan cữu của Lâm về quê chôn cất.
Ngoài đền thờ Trung Liệt ở gò Đống Đa – Hà Nội có thờ Nguyễn Tri Phương, tại Huế còn có Khu lăng mộ (Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm) và Nhà thờ Nguyễn Tri Phương nay thuộc xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Khu đền mộ này năm 1990 được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Tại Đồng Nai, người dân cũng tạc tượng làm đền thờ "Tam vị tôn thần" ( Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm). Đôi câu đối ở đền như gợi lên phong thái của vị anh hùng dân tộc, tận tâm báo quốc Nguyễn Tri Phương: "Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa/ Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên" (Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất/ Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh). Đền thờ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992.

Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự là Hàm Trinh. Ông nguyên quán tại thôn Đường Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), làm quan trải qua 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Năm 1850, vua Tự Đức mới đổi tên cho ông là "Tri Phương", lấy ở câu "Hữu dũng thả tri phương" trong Luận ngữ, nghĩa là người vừa dũng cảm lại có mưu lược. Sau khi qua đời được thăng hàm Thái tử Thái bảo Võ hiển điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá.

Cuộc đời oanh liệt của ông gắn với việc làm Tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).