Thống đốc Lê Minh Hưng nhận nhiều lời khen trong lần đầu lên "ghế nóng"

Nguyễn Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã thẳng thắn trả lời nhiều vấn đề "nóng", qua đó chiếm được cảm tình của các đại biểu và cử tri cả nước.

Sự điều hành hiệu quả giúp Thống đốc tự tin trước Quốc hội
Là thành viên trẻ nhất trong Chính phủ, và dù chỉ mới hơn một năm đảm nhận vị trí đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuy nhiên trong lần đầu tiên lên "ghế nóng" tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhận được nhiều lời khen ngợi, hài lòng từ các đại biểu.
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc, có 39 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi, ngoài ra có thêm 5 đại biểu tranh luận. Thống đốc đã trả lời trực tiếp hầu hết các nội dung chất vấn tại hội trường.

Ông nhận được nhiều câu hỏi "hóc búa" từ các đại biểu, từ chuyện huy động vàng và ngoại tệ trong dân, bảo đảm an toàn tiền gửi, cho vay vốn các dự án BOT, mua ngân hàng 0 đồng, điều hành lãi suất cho đến một vấn đề rất mới là tiền ảo bitcoin... và trả lời gãy gọn gần như không phải nhìn tài liệu.

Ông cũng gây ấn tượng khi dẫn lại nhanh, chính xác đầy đủ họ tên ĐBQH trước và sau khi kết thúc mỗi phần trả lời, mà gần như không cần nhìn vào tài liệu ghi chép.

"Mặc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng Thống đốc đã nắm vấn đề chắc chắn, trả lời rõ các vấn đề, được các đại biểu đánh giá cao, qua thông tin đại chúng cũng cho thấy cử tri khá hài lòng", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá tại phần phát biểu kết thúc về nội dung chất vấn thứ 2 của Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đánh giá, Thống đốc Lê Minh Hưng đã rất bình tĩnh, tự tin, nắm chắc vấn đề, trả lời rành mạch, lưu loát, trôi chảy các câu hỏi đại biểu đặt ra.

Trong khi đó ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại đánh giá tốt các phần trả lời của Thống đốc về xử lý nợ xấu, công tác quản lý hệ thống ngân hàng đã "có vấn đề" từ giai đoạn trước.

"Tôi đồng tình với Thống đốc đây là vấn đề có nhiều tồn tại và thống đốc đang quyết tâm cùng Chính phủ tháo gỡ. Mong Thống đốc tiếp tục duy trì tinh thần này để có thể giải quyết những chất vấn của đại biểu", ông Nhưỡng trả lời PV báo Tuổi trẻ bên hàng lang Quốc hội.

Về vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) tán thành những giải pháp mà người đứng đầu ngành ngân hàng đưa ra.

Thời gian qua, các ngân hàng đã bộc lộ bất cập nhất định, đặc biệt phát sinh nợ xấu lên tới trên 10% tổng dư nợ. Do đó, với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ tiền gửi nhân dân, những biện pháp xử lý mang tính tình huống đã được đưa ra. Tuy nhiên, về lâu dài, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc sửa đổi một số điều, khoản của Luật Các tổ chức tín dụng, góp phần nâng cao hoạt động của các tổ chức này.

“Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ đạt được nhiều mục tiêu, cụ thể là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ và giải quyết việc làm. Chính sự điều hành hiệu quả đó giúp Thống đốc thể hiện sự tự tin, trí tuệ khi trả lời chất vấn của ĐBQH”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
 Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Quan điểm thẳng thắn, rõ ràng

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc, có thể thấy ông là một người có quan điểm rất rõ ràng và khá "rắn".

Trong phần trả lời chiều 16/11, các đại biểu chờ đợi người đứng đầu ngành ngân hàng có tín hiệu cởi mở về vốn với các dự án BOT giao thông trọng điểm, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu quan điểm: "Nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn và quan trọng, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém".

Ông phân tích, đặc thù hoạt động ngân hàng hiện nay vốn huy động chủ yếu ngắn hạn dưới 12 tháng, trong khi cho vay các dự án BOT giao thông kỳ hạn dài, từ 10 - 20 năm. Ngay ở cân đối này, ngân hàng đã phải thận trọng với rủi ro.

Dù khẳng định vẫn tiếp tục cho vay, song người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định chính sách sẽ xem xét chặt chẽ các dự án, thẩm định kỹ năng lực của các chủ đầu tư. Dù dư nợ lĩnh vực này hiện chỉ chiếm 1,5%, nhưng quan điểm chặt chẽ vẫn nhất quán trong thời gian tới.

Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, các đại biểu băn khoăn việc nâng lên 21%, đặc biệt là tốc độ dự kiến cao trong hai tháng còn lại, có gây áp lực đến lạm phát và chất lượng tín dụng trong tương lai?

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng 21% nói trên không phải chỉ đạo của Chính phủ. Đây chỉ là một đề nghị xem xét đặt ra giữa năm, khi tăng trưởng GDP có dấu hiệu thấp.

Quan điểm của ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm chất lượng tăng trưởng. Nên những ngân hàng nào đảm bảo thì sẽ xem xét cho tăng trưởng cao hơn, chứ không yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

Liên quan đến vấn đề huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân cư, Thống đốc Lê Minh Hưng giữ quan điểm: Huy động những nguồn lực đó bằng sự điều hành ổn định và tạo dựng lòng tin.

"Giải pháp huy động vàng trong dân căn cơ nhất, bền vững, khả thi nhất là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ", Thống đốc nói.

Phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã nhận được sự hài lòng của các đại biểu Quốc hội và được cử tri đánh giá cao vì đây là lĩnh vực khó, có nhiều tồn tại, hạn chế nội tại trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội từ nhiều năm trước đây.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, các giải pháp điều hành của NHNN cơ bản là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và sự chỉ đạo của Chính phủ, giữ được sự ổn định, mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.