Thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP Hà Nội

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/12, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV, 94/94 đại biểu (ĐB) tham dự tán thành thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP Hà Nội.

Theo tờ trình của UBND TP do ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội trình bày, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề trên địa bàn TP, một số chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào thành tựu xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tạo điều kiện để các cơ sở, hộ sản xuất trong các làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, có chính sách khi triển khai còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao hoặc không triển khai được.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội trình bày tờ trình.
Khi Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ được ban hành, một số nội dung trong chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tại Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND của HĐND TP không phù hợp với tình hình thực tế và quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ. Vì vậy, việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ là rất cần thiết.
Theo Nghị quyết, với chính sách hỗ trợ đánh giá tác động môi trường, các làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ đánh giá tác động môi trường để có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
UBND TP Hà Nội cho biết, hiện tại, Hà Nội có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận, trong đó có 233 làng (bằng 75,65%) thuộc danh mục ngành nghề phải thực hiện đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, gồm: 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 23 làng làm nghề chế biến lâm sản; 25 làng làm nghề dệt may; 09 làng làm nghề da giầy; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 55 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm. Ngoài ra, trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề (với 47 nghề), đa số các làng có nghề thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đề xuất: Các làng đề nghị công nhận mới thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường và 233 làng nghề đã được công nhận “Làng nghề, Làng nghề truyền thống” phải thực hiện đánh giá tác động môi trường làng nghề, UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách hỗ trợ đánh giá tác động môi trường.
 Đại biểu Nguyễn Lan Hương thảo luận tại hội trường.
Về chính sách Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, theo UBND TP Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, HĐND TP Hà Nội đã quyết nghị thực hiện 3 nội dung hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề gồm: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu với chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài. Đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (lô gô) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề. Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho làng nghề. Mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/01 làng nghề/01 nội dung và đã được Sở Công Thương Hà Nội triển khai thực hiện hỗ trợ trung bình cho 10 làng nghề/năm.
Khi được hỗ trợ thực hiện 3 nội dung này, phần lớn các làng nghề chưa được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể do còn thiếu một số nội dung như: Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề; Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của TP. Hai nội dung này đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi ngân sách cấp huyện, xã, hiệp hội làng nghề và các làng nghề còn khó khăn, không xã hội hóa được. Vì vậy, để làng nghề, làng nghề truyền thống khi được công nhận xây dựng được thương hiệu và được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, UBND TP Hà Nội đề xuất thực hiện thêm 2 nội dung hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề. Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng kỷ xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của TP. Các nội dung: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 1 năm; Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ, gồm: Đào tạo nghiệp vụ sư phạm, đào tạo nhân lực theo hình thức truyền nghề; Di dời cơ sở ngành nghề nông thôn ra khỏi khu dân cư; Hỗ trợ các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề; Đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương,... những nội dung này thuộc thẩm quyền UBND TP, UBND TP sẽ xây dựng và ban hành quy định cụ thể các mức hỗ trợ theo quy định.
Về nguồn lực, theo UBND TP, hiện TP Hà Nội đã có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận nhưng chưa làng nghề nào được đánh giá tác động môi trường đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Quyết định sẻ 85/2009/QĐ-UBND ngày 02/7/2009 của UBND TP ban hành Quy chế xét công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” tại Khoản 7, Điều 5 quy định: Đối với những làng nghề chưa đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường theo quy định tại Khoản 4 vẫn được xem xét công nhận danh hiệu làng nghề truyên thông khi đã có các dự án, để án nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và đề ra các biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm).
Nguồn lực giai đoạn 2019-2025, hỗ trợ đánh giá tác động môi trường cho 233 làng nghề đã được công nhận có nghề thuộc danh mục ngành nghề phải thực hiện đánh giá tác động môi trường quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và dự kiến mỗi năm có 10 làng nghề được công nhận mới với tống kinh phí là 58.600 triệu đồng, trung bình 9.600 triệu/01 năm.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 60 làng nghề (Mỗi năm 10 làng) với tổng kinh phí là 30.000 triệu đồng, trung bình 5.000 triệu/01 năm. Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết: 88.600 triệu đồng (Mỗi năm hỗ trợ 14.600 triệu đồng).
Nguồn lực dự kiến để thực hiện hỗ trợ đánh giá tác động môi trường, xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể: Từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của TP. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp thực hiện chính sách này, các địa phương có trách nhiệm bố trí, cân đối thêm từ các nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, dự án khác và nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết.
Thảo luận thêm về vấn đề hỗ trợ DN, ĐB Nguyễn Lan Hương (tổ huyện Đông Anh) cho rằng để sản phẩm làng nghề có thể tồn tại, phát triển bền vững cần tập trung nâng cao cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề. Hà Nội có hơn 247 làng nghề và có nhiều nghệ nhân, có những nghề mà chỉ có nghệ nhân ở Hà Nội làm được nhưng hiện nay còn rất ít như sơn mài, chạm khảm, thời trang... Trong thời gian qua, các làng nghề được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại nhưng chúng ta vẫn cần có một nguồn ngân sách hỗ trợ và theo ĐB Lan Hương, nên bổ sung một nguồn ngân sách trước, trong, sau sự kiện xúc tiến thương mại.
Theo ĐB Nguyễn Lan Hương, cần tăng cường đầu tư thêm ngân sách cho công tác tuyên truyền, cần mạnh dạn lựa chọn sản phẩm cốt lõi của Hà Nội, tập trung đầu tư cho các sản phẩm đó, tuyên truyền có chiến lược lâu dài, mở các quầy bán sản phẩm OCOP của Hà Nội tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để du khách có thể tìm đến mua sản phẩm lúc đến cũng như lúc ra về. Về tăng cường hỗ trợ, cần có khâu hỗ trợ cho thiết kế sản phẩm và đổi mới sản phẩm của làng nghề nhất là sản phẩm đồ lưu niệm cho du khách, sản phẩm đặc trưng cho Hà Nội, linh vật của Hà Nội. Thuê chuyên gia nước ngoài, huy động nguồn lực để thiết kế sản phẩm thật đẹp, thật độc đáo. 
Liên quan công tác quảng bá sản phẩm làng nghề, theo ĐB Nguyễn Lan Hương, Hà Nội cần đầu tư APP riêng cho từng nghệ nhân, sản phẩm làng nghề, các APP này phải được dễ dàng tìm thấy ở các cơ sở lưu trú của TP cũng như tích hợp cùng với bản đồ số của du lịch. Sản phẩm làng nghề luôn gắn với sản phẩm du lịch của TP. ĐB Nguyễn Lan Hương cũng đề xuất quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề cho nông thôn, việc đào tạo nghề nên có bộ công cụ quản trị sản xuất khoa học, hiệu quả.
HĐND TP đề nghị UBND TP bổ sung báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Điều 2, Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề. Trên cơ sở đánh giá làm căn cứ để đề xuất, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách phát triển làng nghề trên địa bàn. Về đối tượng thụ hưởng chính sách, đề nghị bổ sung thêm đối tượng là các làng nghề đang lập hồ sơ đề nghị TP công nhận. Đối với chính sách hỗ trợ thực hiện đánh giá tác động môi trường, đề nghị làm rõ căn cứ đề xuất mức hỗ trợ 200 triệu đồng/làng nghề. Đối với chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ tập thể, UBND TP đề xuất 5 nội dung (trong đó có 3 nội dung kể thừa quy định đã có tại Nghị quyết số 25/2103/NQ-HĐND và 2 nội dung đề xuất mới ). 5 nội dung đề xuất mức hỗ trợ tối đa 100 triệu/nội dung (như Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND), trong khi Nghị định 52/2018/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ với chính sách xây dựng thương hiệu là tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở. HĐND đề nghị làm rõ căn cứ đề xuất 2 nội dung mới so với Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND và căn cứ đề xuất mức hỗ trợ (khác với quy định của Nghị định 52/2018/NĐ-CP).
Ngoài ra, Ban Kinh tế-Ngân sách của HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung theo ý kiến thẩm tra nêu trên và lưu ý một số nội dung sau: Bổ sung nội dung tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết: Ngoài các nội dung chính sách nêu trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của Trung ương và TP theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường họp trong cùng thời điểm và cùng một nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được lựa chọn một mức hỗ trợ cao nhất và có lợi nhất. Điều chỉnh phương thức thực hiện thành: Ngân sách TP hỗ trợ cho các đơn vị thụ hưởng chính sách. Bổ sung nội dung tại Khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết giao UBND TP: Sớm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ ngành nghề nông thôn thuộc thẩm quyền UBND TP theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP, đảm bảo tính kịp thời, thống nhất thực hiện với cơ chế, chính sách HĐND TP ban hành tại nghị quyết này. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền; thông báo công khai, rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; thực hiện phương thức hỗ trợ gắn với cải cách thủ tục hành chính trong quản lý tài chính. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần