Thông tin mới về bản án phúc thẩm vụ lùi xe gây tai nạn trên cao tốc

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TAND Cấp cao tại Hà Nội ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án hình sự của TAND tỉnh Thái Nguyên vụ lùi xe gây tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để điều tra lại.

 Hiện trường vụ tai nạn
Chiều 21/11, báo điện tử VOV dẫn nguồn tin từ Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội cho biết, lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa ký kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên trong vụ lùi xe gây tai nạn trên cao tốc để điều tra lại.
Trước đó, sáng 13/11 trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, TAND Tối cao đã tổ chức cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên môn, trong đó có chuyên môn về pháp luật ở cơ quan điều tra (Bộ Công an), Viện Kiểm sát nhân dân... Nhưng quan trọng hơn là tham vấn về kỹ thuật giao thông, có các chuyên gia đến từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Khoa học hình sự và cơ quan khám nghiệm hiện trường. Về kết quả cụ thể sẽ thông tin trong tuần này.
Còn tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nêu 3 vấn đề pháp lý cần rút ra ở vụ này.

Một là, không có khoảng cách nào an toàn dành cho chuyển động ngược chiều trên một đường thẳng.
Hai là, pháp luật không có quy định nào dành riêng cho việc giữ khoảng cách an toàn 2 xe chạy ngược chiều nhau trên một làn đường, một phần đường hoặc đường cao tốc.
Ba là, nguyên tắc pháp lý của Nhà nước là không ai có thể bị cáo buộc một tội nào đó nếu pháp luật không quy định.
"Đối chiếu với lỗi nêu trên thì rõ ràng có sự khác biệt giữa những lỗi người lái xe bị cáo buộc với những nguyên tắc căn bản của pháp luật", đại biểu nói và đặt câu hỏi: Các bước điều tra ban đầu từ lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện… đã được điều tra chặt chẽ hay chưa?
Các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện tố tụng đã lấy tranh tụng làm trung tâm và đã thực sự lấy kết quả tranh tụng làm căn cứ đưa ra phán quyết hay chưa?
Ông Sơn nhấn mạnh, hệ lụy phát sinh từ vụ án này là rất nghiêm trọng. "Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự trong sáng của pháp luật, bản lĩnh cán bộ tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây là vấn đề vừa nảy sinh, cần nghiên cứu hướng dẫn kịp thời, áp dụng thống nhất đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, chí ít là có một án lệ", đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói.
Theo hồ sơ vụ án, sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (40 tuổi) lái xe Innova 8 chỗ chở 10 hành khách đi ăn cưới ở TP Thái Nguyên, có đi trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Do vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn cho ô tô đi lùi, sát hàng rào bên phải.
Cùng lúc, tài xế Lê Ngọc Hoàng (3 tuổi) lái xe đầu kéo, kéo theo rơmoóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60 - 65 km/giờ. Đến gần nút giao, thấy chiếc Innova phía trước cách khoảng 70m đang bật đèn thắng đỏ, Hoàng không thắng giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu. Do phía sau có ô tô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn nên đã đâm vào đuôi chiếc Innova đang có 11 người ngồi trên xe.
Do khoảng cách quá gần, xe đầu kéo đã tông và đẩy ô tô chở khách đi gần 40m mới dừng lại. Sự cố khiến 4 người trên xe Innova tử vong tại chỗ, 2 người bị thương. Các phương tiện hư hỏng nặng.
Trong vụ án này, Sơn bị cáo buộc vi phạm 3 lỗi: Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng trên cao tốc, điều khiển ô tô trên đường khi có nồng độ cồn, chở khách vượt quá số người quy định. Trong khi đó, Hoàng bị xác định đã không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.
Ngày 1/11, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, giảm án cho 2 tài xế trong vụ án lùi xe ô tô trên cao tốc gây tai nạn thảm khốc.
HĐXX quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù; bị cáo Lê Ngọc Hoàng từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần