Thông tin về việc người lao động tại Công ty Cổ phần XNK Vật tư thiết bị Đường sắt đề nghị trợ cấp thôi việc

Hùng Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, một số người lao động đã chấm dứt HĐLĐ với công ty Cổ phần XNK vật tư thiết bị đường sắt (VIRASIMEX) đã có những yêu cầu Công ty thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc.

Phóng viên Báo đã có cuộc làm việc với lãnh đạo VIRASIMEX để cung cấp tới bạn đọc những thông tin đầy đủ nhất về vụ việc này.
Lãnh đạo mới và công ty cũ nhiều năm thua lỗ…

Trao đổi với phóng viên, Ban lãnh đạo Công ty (mới tiếp quản công ty được 1 năm) nói: Kể từ khi tiếp quản công ty, Chúng tôi vẫn đảm bảo sắp xếp công việc cho người lao động đúng năng lực, vị trí, đảm bảo việc làm, trả đủ lương và các khoản chi theo quy định khác (BHXH, BHYT..) nhưng một số người lao động vẫn tự ý xin chấm dứt Hợp đồng lao động, có người lao động chỉ còn 1-2 năm là đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn làm đơn xin chấm dứt.

Tháng 5/2017, công ty đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông, bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành mới với vô vàn những khó khăn tồn tại do quá khứ để lại, việc kinh doanh thua lỗ, nợ hàng chục tỷ đồng. Mặc dù đã cố gắng ổn định tổ chức, khuyến khích những cán bộ cũ của công ty góp sức vực dậy các hoạt động SXKD.Tuy nhiên, cũng chỉ mới là những bước đi đầu tiên, đến thời điểm hiện nay công ty vẫn chỉ mới duy trì được ở mức đảm bảo lương cho cán bộ công nhân viên hiện hữu.
 Trụ sở công ty Cổ phần XNK vật tư thiết bị đường sắt (VIRASIMEX).
Theo báo cáo công bố, Công ty Cổ phần XNK vật tư thiết bị đường sắt tiền thân là Cục vật tư đường sắt từ năm 1955, năm 2005, công ty được chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phầnvới tỷ trọng phần vốn Nhà nước mà đại diện là Tổng công ty đường sắt Việt Nam nắm giữ là 51%, do đó, bên cạnh những cơ chế ưu đãi từ Tổng công ty đường sắt Việt Nam, công ty cũng tồn tại không ít những bất cập trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư… dẫn đến tại thời điểm thực hiện chủ trương xã hội hóa thông qua hình thức thoái vốn nhà nước của Chính phủ năm 2016, công ty có tổng số nợ phải trả lên tới hơn 60 tỷ đồng (trong đó, nợ Tổng công ty hơn 54 tỷ đồng) trên Tổng vốn chủ sở hữu 31,23 tỷ đồng; Số nợ phải thu, khó có thể thu hồi hơn 30 tỷ đồng mà trong đó phần lớn là của các đơn vị trong ngành đường sắt (~20 tỷ đồng); Hàng tồn kho, chậm luân chuyển, kém phẩm chất: ~40 tỷ, số hàng tồn kho này cũng tồn tại từ trước giai đoạn thoái vốn Nhà nước.

Tháo gỡ bằng được khó khăn, ổn định đời sống người lao động

Virasimex cho rằng, thời gian qua và giai đoạn tiếp theo công ty sẽ có những đổi mới toàn diện các mặt hoạt động kinh doanh để vượt qua khó khăn thách thức. Trong đó, công ty cũng đã có những kế hoạch để xử lý triệt để khó khăn, như ký kết các hợp động kinh doanh mới, lên phương án thu hồi nợ của những đơn vị còn nợ mình. Mục tiêu hàng đầu là việc giải quyết quyền lợi và ổn định đời sống của người lao động.

Hiện tại Công ty đang mời những người lao động đã chấm dứt HĐLĐ đến để xác nhận thời gian công tác và chế độ chi trả. Đối chiếu với các quy định hiện hành (Bộ Luật lao động 2012; Khoản 2, Điều 38, Nghị định 05/2015/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 8 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH) thì có những lao động không đủ điều kiện được hưởng chi trả trợ cấpthôi việc cho thời gian làm việc tại công ty , tuy nhiên lại vẫn có khiếu nại yêu cầu công ty chi trả, công ty sẽ rà soát lại những trường hợp này và có Văn bản thông báo cho người lao động.

Như vậy, những động thái giải quyết của Ban lãnh đạo mới VIRASIMEX cũng được đánh giá cao. Hy vọng, Ban lãnh đạo mới công ty VIRASIMEX sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn cũ để ổn định đời sống người lao động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần