Thông vốn cho nền kinh tế

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nguy cơ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có chiều hướng tăng trở lại, đã có những quan điểm trái chiều được đưa ra.

Ở quan điểm thứ nhất đặt ra liệu đây đã phải là thời điểm cấp thiết có một nghị quyết xử lý nợ xấu chưa, vì còn nhiều vấn đề cấp thiết hơn liên quan tới đời sống người dân.
Nhóm thứ hai cho rằng, nếu không xử lý sớm, lãi suất trong nền kinh tế vẫn cao, cả DN và ngân hàng đều gặp khó thì ngân sách cũng bị tổn hại. Vì tính chất cấp bách phải đặt lợi ích chung lên cao nhất, gắn với sự ổn định, phân bổ hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc của cả nền kinh tế. Và theo quan điểm này, nợ xấu là “cục máu đông”. Khi vấn đề này được xử lý mới có thể kỳ vọng về cái đích tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay và cao hơn trong năm sau.

Vấn đề là gỡ thế nào? Xử lý nợ xấu, nhất là tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản, đất đai, thuế, phí lại gắn thủ tục quy trình pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh các Luật, của nhiều Bộ, ngành khác nhau. Nếu không dùng ngân sách thì lấy tiền đâu để xử lý nợ xấu? Và quan trọng là trách nhiệm của những người gây ra nợ xấu.

Nguyên tắc ở đây là Nhà nước không can thiệp trực tiếp mà tạo ra hành lang pháp lý. Để mua nợ phải có đầu ra, có thị trường mua bán nợ. Điểm có thể tháo gỡ nút thắt xử lý nợ xấu lâu nay là mua bán nợ xấu không còn gói gọn chỉ có ngân hàng và Công ty quản lý tài sản (VAMC), mà cho mua nợ xấu theo giá thị trường, đồng thời cho phép nhiều chủ thể khác nhau tham gia xử lý nợ xấu. Tổ chức mua bán nợ xấu được bán cho pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Cơ chế xử lý nợ xấu được mở ra linh hoạt hơn, thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia, tăng tính thanh khoản của nợ xấu trên thị trường, có thể đẩy tốc độ xử lý nợ xấu đi nhanh hơn. Vấn đề là việc tổ chức đấu giá, mua bán phải bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch.

Song song với đó, quyền hạn, cách làm cũng cần quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Những người gây ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai. Không loại trừ trách nhiệm hình sự với những cá nhân sai phạm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trong khi đánh giá tình hình thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011 - 2015, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa phản ánh đúng thực chất. Nếu Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua lần này, được thực hiện trong 5 năm, có hiệu lực từ 1/7 tới, nghĩa là ngay trong năm nay, dự báo sẽ có chuyển biến lớn trong việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỷ đồng. Việc này chắc chắn sẽ giúp thông vốn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần