Thu 3 đồng, chi đã hơn 2 đồng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện kỷ luật tài khóa được báo chí nhiều lần phản ánh, tại nhiều kỳ họp của Quốc hội. Song tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội vẫn không khỏi lo lắng, phàn nàn về tình trạng thực trạng bội chi cao, nợ công sát trần, chi trả nợ tăng nhanh hơn tăng trưởng, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm.

 Ảnh minh họa
Không lo lắng sao được khi mà 4 tháng đầu năm nay, thu ngân sách Nhà nước đã cao hơn chi khoảng 30.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Bộ Tài chính. Chi thường xuyên vẫn tăng và chiếm tới 73,5% tổng chi, trong khi chi cho đầu tư phát triển lại giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chi thường xuyên lên đến 2/3 tổng chi ngân sách. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và đầu tư.

Thực tế, chi thường xuyên tăng liên tục, năm 2010 là 51%, năm 2017 đã vượt 70% và đang có xu hướng tăng. Muốn chi thường xuyên giảm xuống cần nhiều giải pháp, trong đó có giảm mua sắm, lễ hội, khánh tiết, chi cho các đoàn đi công tác nước ngoài, tinh giản bộ máy... Tuy nhiên, thực tế “thắt” chỗ này lại “phình” chỗ khác. Chi thường xuyên vượt 70%, chi trả nợ bằng 24,5% tổng chi ngân sách. Cộng hai khoản này lại thì chi đầu tư còn rất ít ỏi. Chưa kể, những năm gần đây, ngân sách phải chịu thêm một áp lực lớn là chi trả nợ và lãi của những khoản vay những năm trước đây. Nếu tính cả chi trả nợ lãi vào chi thường xuyên, ngân sách rơi vào trạng thái thu không đủ chi. Và dễ thấy chi đầu tư hoàn toàn dựa vào khoản vay, thậm chí có lúc chi thường xuyên cũng phải đi vay. Đây là điều hết sức lo ngại.

Trong khi đó, một nghịch lý nữa mà các đại biểu nêu ra là trong khi tiền cho đầu tư ít ỏi, Chính phủ phải tìm cách tăng huy động vốn vay thì tốc độ giải ngân lại vô cùng chậm. Tình trạng lãng phí trong đầu tư công vẫn diễn ra tràn lan. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt công trình đội vốn, có dự án tăng gấp 3 - 4 lần; công trình đắp chiếu, chậm tiến độ… Các địa phương vẫn đua nhau xây cổng chào trăm tỷ, tượng đài ngàn tỷ… Nhiều đại biểu Quốc hội phải thốt lên: Thực tế làm đường, xây dựng công trình từ ngân sách Nhà nước thường chi phí cao hơn nhưng chất lượng lại kém hơn rất nhiều so với các công trình tư nhân cũng như cao hơn suất đầu tư cùng loại ở nhiều nước khác.

Trong khi mất cân đối thu chi chưa có giải pháp hữu hiệu thì việc chỉ chăm chăm chọn giải pháp tăng thu mà Bộ Tài chính đề xuất có vẻ rất khó được chấp nhận. Ngân hàng Thế giới mới đây lên tiếng cảnh báo Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất, và cho rằng nợ công Việt Nam sẽ vượt mức an toàn trong năm 2018. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức; giải ngân vốn vay ngoài nước vượt kế hoạch; nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; chuyển nguồn lớn, thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị. Bên cạnh đó, một bộ phận cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa có ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách; hoặc cố tình lợi dụng để tham nhũng, chiếm đoạt tiền, tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nợ công vẫn ở ngưỡng dưới trần cho phép.

Nhưng với tình trạng như hiện nay, và với sai phạm "bổn cũ lặp lại" không tăng cường kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm sai phạm thì lúc đó những nhận định của WB sẽ không còn là ở mức cảnh báo nữa.