Thu bản quyền âm nhạc trên ti vi khách sạn: Chỉ là thu cho có

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/5, Bộ VHTT&DL đã có cuộc trao đổi giữa báo giới và các đơn vị kinh doanh về vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc khi mở ti vi tại các khách sạn ở Đà Nẵng đang gây bức xúc cho các DN.

Tại đây, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng mức thu phí 25.000 đồng/phòng/năm mà Trung tâm đưa ra chỉ là mức thu cho có.

 Ảnh minh họa

Đầu tháng 5/2017, một số cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Đà Nẵng vừa nhận được công văn của VCPMC chi nhánh phía Nam yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả khi sử dụng âm nhạc trong kinh doanh. Trong đó, có thu cả phí tác quyền âm nhạc đối với phòng ngủ khách sạn có sử dụng ti vi. Mức thu mà VCPMC đưa ra là 25.000 đồng/phòng/năm. Điều này đã gây bức xúc cho các đơn vị kinh doanh. Bởi theo các DN, đơn vị thu tác quyền đang thực hiện việc thu phí phi lý.

Thực tế, rất khó để kiểm đếm số lượng ti vi của các phòng khách sạn. Hơn nữa, các đơn vị phát sóng, băng đĩa đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền khi xây dựng chương trình. Đơn vị kinh doanh khách sạn lại thêm một lần nộp phí tác quyền có là phí chồng phí? Ông Phó Đức Phương cho rằng: “VCPMC đã tiến hành thu phí bản quyền thành công các khách sạn bốn, năm sao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 10 năm nay. Trung tâm mới thu một số khách sạn ở Đà Nẵng 3 năm nên các đơn vị kinh doanh chưa có thời gian hiểu rõ quy định này như ở hai TP kia”. Ông Phương nhấn mạnh, thế giới thực hiện việc thu tác quyền âm nhạc trong khách sạn từ lâu, điều này đã được quy định rõ trong 4 quyền của tác giả. “Chúng tôi không thu tiền tác quyền từ ti vi của mỗi gia đình mà từ các cơ sở sử dụng ti vi tăng khả năng thu lợi nhuận. Đơn vị này phải có nghĩa vụ chia sẻ lợi nhuận cho các tác giả. Nếu đơn vị nào khẳng định được ti vi đó không sử dụng nhạc từ quảng cáo, xem phim hay bất kỳ phương diện thể hiện khác thì sẽ không phải đóng tác quyền âm nhạc trên ti vi” – ông Phương bày tỏ.

“Với mức thu 25.000 đồng/bài/năm chỉ là mức thu cho có so với quy định của Luật” – ông Phương nhấn mạnh thêm. Sở dĩ năm 2016, VCPMC chi nhánh phía Nam đạt mức thu tác quyền âm nhạc đạt 3 tỷ đồng là nhờ chương trình biểu diễn ở bar, không phải nhờ khoản thu chính từ số lượng ti vi ở các phòng khách sạn. Phía Trung tâm cho biết, đơn vị này để các đơn vị kinh doanh chủ động kê khai số lượng ti vi của khách sạn, chứ không tổ chức một lực lượng kiểm đếm như nhiều người nghĩ.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả tán thành với việc thu tiền tác quyền. Theo ông, việc làm này đúng với Điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ và điều 35 Nghị định 100/2016/NĐ-CP cũng như các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị Trung tâm phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng pháp luật và phải có lộ trình phù hợp đối với từng hình thức khai thác sử dụng âm nhạc để bảo vệ quyền lợi tác giả, quyền lợi bên khai thác sử dụng và lợi ích hưởng thụ của công chúng. “Đây là tài sản dân sự, do vậy chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tự xây dựng biểu mức tiền bản quyền và thỏa thuận với bên khai thác sử dụng. Không phải tống đạt công văn tới yêu cầu mà phải truyền thông, mời toàn bộ cơ sở khách sạn đến và đưa ra biểu giá để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu phải có đồng thuận cả hai bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết” - ông Hùng bày tỏ.

Theo kế hoạch năm 2017, VCPMC sẽ tiến hành thu tác quyền âm nhạc trên ti vi ở các khách sạn hai, ba sao ở các TP lớn.