Thủ đô của Iraq đứng trước thời khắc quan trọng

Hương Thảo (Theo The Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Baghdad - thủ phủ quốc gia sẽ là đối thủ của Việt Nam tối nay trên sân bóng giải Asian Cup 2019 - sắp sửa gia nhập hàng ngũ siêu đô thị của thế giới với nhiều thách thức.

Một góc phố đông đúc tại Baghdad. 
Tiềm năng trở thành siêu đô thị đã được nhìn nhận khi dân số thủ đô của Iraq đang ở ngưỡng gần 10 triệu người. Sau 15 năm chìm trong bạo lực kể từ cuộc chiến tranh do Mỹ khởi xướng năm 2003 và cuộc chiến chống khủng bố IS, Baghdad dường như đã yên bình hơn trong những ngày này, thậm chí còn có phần sôi động - bất chấp những bức ảnh tưởng niệm chiến sĩ đã hy sinh ở khắp mọi nơi hay thỉnh thoảng tiếng bom vẫn nổi lên đâu đó.

Những ngôi nhà lớn nay đang được các gia đình chia sẻ với nhau để đối phó với cuộc khủng hoảng nhà ở đang gia tăng. Các khu dân cư tạm bợ đang dần thay thế cho các căn cứ quân sự cũ từ thời cựu Tổng thống Saddam Hussein. Nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp không tưởng cũng đang được xây dựng tại Baghdad.

Thực tế là 15 năm xung đột đã khiến Baghdad tổn thương đến mức khó hồi phục được nguyên trạng.

Giáo sư quy hoạch đô thị tại trường đại học của TP Abdelwehab Alwehab đã nhấn mạnh những vấn đề hiện tại của Baghdad. “Thật không may, 15 năm qua đã thực sự thay đổi các thành phố của Iraq… cơ sở hạ tầng giao thông ở đây về cơ bản đều đầy rẫy vấn đề cần khắc phục”.

Như để minh họa cho luận điểm này, ông Alwehab dẫn tới một trong những điểm kẹt xe kéo dài của Baghdad. TP đang thiếu một hệ thống xe cộ có tải trọng lớn, khi hầu hết các chuyến du lịch tuyến dài đều phải sử dụng ô tô cá nhân hay taxi loại nhỏ.
Cũng theo Alwehab, tính toàn vẹn đô thị của Baghdad đang bị phá vỡ. TP được chia cắt thành các khu an toàn và không an toàn, tách biệt về mặt vật lý đằng sau những bức tường bê tông cao. Những khu phố vô tình trở trở thành các TP trong TP, tạo nên một hệ quả dễ nhận thấy chính là việc các vùng “ngoại ô” Baghdad mọc lên như nấm.
Giáo sư Abdelwehab Alwehab tại một khu vực bị ngăn cách trong Baghdad.

Cựu tù nhân chiến tranh trong cuộc xung đột Iran-Iraq Jassim Hussein đang sống tại căn cứ quân sự Al Rashid rộng lớn nay lâu nay đang bị bỏ hoang. Người đàn ông 66 tuổi đã mở rộng một phần của tòa nhà doanh trại thành một khu tổ hợp thô sơ ngay gần cao tốc Dora. Ông đã trồng xương rồng để trang trí.

Không giống như một số người đang phải vạ vật tại các khu căn cứ cũ, ông Hussein vẫn nhận được tiền trợ cấp cho nghĩa vụ quân sự của mình nhưng không nơi nào quanh đây mà ông có thể chi trả được tiền thuê nhà. Mặc dù thu nhập đầu người tại Baghdad xếp hạng gần thấp nhất toàn cầu nhưng giá nhà và phòng cho thuê tại đây đang tăng vọt.

Bên cạnh vấn đề về nhà ở thì văn hóa cũng là một rào cản với người dân Baghdad. Một trong những biểu tượng cho nỗ lực nhằm định hình nét văn hóa tại thủ đô này phải kể đến là kênh phát thanh Radio One Iraq. Được thành lập bởi doanh nhân công nghệ thông tin 32 tuổi Ehab Attrachi, Radio One Iraq đang là nguồn âm nhạc của thế hệ trẻ Baghdad, tuy nhiên danh sách bài hát của hãng ghi âm này cũng đã vấp phải nhiều nghi ngờ từ một số người bảo thủ.
Một công viên giải trí nhộn nhịp ngày cuối tuần ở Baghdad. 

“Chúng tôi muốn truyền tải các nền văn hóa khác - trở thành cầu nối với một Iraq đã bị cô lập quá lâu. Iraq ngày nay đã rất khác với Iraq của 10 năm trước. Mọi người bắt đầu cởi mở hơn”, ông Attrachi chia sẻ nhưng thừa nhận rằng Baghdad vẫn là một TP khó sống nếu chính phủ không kịp thời thay đổi “mớ hỗn độn hiện nay”.

Tuy nhiên, ít nhất gần 7 triệu dân Baghdad vẫn đang nếm trải những điều đó ngày hôm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần