Thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại bằng thủ đoạn lừa cài ứng dụng có chức năng tự động nhắn tin là thủ đoạn rất mới của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa Trần Ngọc Hải (SN 1985, ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng đồng phạm ra xét xử về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị đầu số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Vậy, cách thức chiếm đoạt của nhóm tội phạm này như thế nào và số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu? sẽ được chúng tôi làm rõ trong bài viết dưới đây.

Xuất hiện hình thức chiếm đoạt mới...

Trước đó, khoảng 4/2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Trần Ngọc Hải, chủ sở hữu trang website:adrocket.vn cùng 3 đồng phạm Hà Xuân Tiến (SN 1991, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Nguyễn Đức Lực (1990, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) và Nguyễn Văn Tú (SN 1989, ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) để làm rõ về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, internet hoặc thiết bị đầu số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo tại phiên tòa. 	Ảnh: Thái Bình
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thái Bình
Theo tài liệu của cơ quan công an, thời điểm nêu trên, tại địa bàn Hà Nội nổi lên tình trạng người sử dụng điện thoại thông minh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại bằng thủ đoạn lừa cài ứng dụng có chức năng tự động nhắn tin ngầm tới các dịch vụ đầu số. Một số trang web như soundfest.com.vn và clickdi.com phát tán các ứng dụng di động không có nguồn gốc rõ ràng. Khi người dùng cài đặt thì các ứng dụng này sẽ tự động gửi tin nhắn ngầm với mức phí 15.000 đồng/tin nhắn mà không thông báo cho chủ sở hữu thiết bị biết.

Qua điều tra và từ công tác nắm tình hình, Phòng PC50 đã làm rõ, Hải cùng 3 nhân viên Công ty TNHH Đầu tư, Xây dựng & Thương mại Soloha là Tiến, Lực và Tú đã sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, internet hoặc thiết bị đầu số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên. Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này, từ cuối năm 2013 đến thời điểm bị bắt (tháng 4/2014), nhóm của Hải đã chiếm đoạt khoảng 2,1 tỷ đồng từ hơn 100.000 tài khoản thuê bao điện thoại trên cả nước.  Hệ thống website:adrocket.vn của đối tượng Hải đã có hơn 900 thành viên tham gia.

… với thủ đoạn tinh vi

Theo truy tố, Trần Ngọc Hải làm nghề lập trình viên và là chủ của website:adrocket.vn. Trang web này có mục đích phân phối các ứng dụng, game di động bằng tin nhắn thanh toán của đầu số dịch vụ các mạng điện thoại di động để thu tiền khách hàng. Công cụ này có 5 bước hướng dẫn chi tiết cách sử dụng cho các thành viên chỉnh sửa ứng dụng từ kho ứng dụng miễn phí Google Play thành thu phí. Khi tải ứng dụng, các thuê bao nhận được thông báo hỏi người dùng trước khi thanh toán, không thanh toán giảm trừ dần, không gắn thẻ thanh toán cho các phần mềm nội dung khiêu dâm, phản động. Tuy nhiên, các quy định cụ thể về thanh toán bị che bên dưới. Người dùng phải kéo thanh cuộn xuống để đọc hết thông báo này. Là chủ công cụ adrocket, Hải là người duy nhất có thể chỉnh sửa.

Tháng 11/2013, Hải đã ký hợp đồng với Công ty TNHH 1Pay để kinh doanh các dịch vụ viễn thông trên điện thoại di động, bán lẻ hàng hóa trực tuyến, kinh doanh dịch vụ và hàng hóa viễn thông khác. Tiếp đó, Hải hợp tác với Công ty CP Mwork tổ chức khai thác, truyền thông và cung cấp các dịch vụ nội dung trên điện thoại.

Theo hợp đồng, bên thuê thanh toán phải chịu các vấn đề về nội dung, dịch vụ kinh doanh, kịch bản thu phí khách hàng, các vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung và dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Mọi vi phạm điều khoản khi bị phát hiện, Công ty TNHH 1Pay sẽ xử lý theo điều khoản quy định trong hợp đồng và điều khoản sử dụng cũng như chấm dứt hợp đồng, khóa vĩnh viễn tài khoản và có thể phối hợp cơ quan chức năng để kịp thời xử lý khi có yêu cầu. Hợp đồng kinh doanh dịch vụ đầu số này được phân chia theo tỷ lệ: nhà mạng viễn thông hưởng 55%, Công ty TNHH 1Pay hưởng 12%, Hải hưởng 33%. Trong đó 90% số tiền của Hải được chia cho các thành viên trên website:adrocket.vn.

Để ứng dụng thanh công cụ adrocket được phát triển rộng rãi, Hải phát tán ứng dụng này lên trang web. Người dùng vào hệ thống trang web để điền thông tin email, họ tên và chọn mật khẩu để đăng ký tài khoản làm thành viên. Sau đó, người dùng đăng tải file cài (Apk) muốn chỉnh sửa hoặc dán đường dẫn Google Play hoặc chọn ứng dụng từ Mwork vào công cụ của adrocket. Hệ thống sẽ lấy file về gán mã quảng cáo và chức năng thanh toán (SMS và Wapcharging). Người dùng sử dụng những file đã sửa đăng tải lên Google Play hoặc Wapsite riêng để khai thác ứng dụng đã chỉnh sửa lên trang web của mình, thu lợi từ giá trị các tin nhắn chiếm đoạt của các thuê bao di động. Những thành viên có doanh số 1 triệu đồng/tháng sẽ nhận được thanh toán từ adrocket trong thời gian từ ngày 5 - 10 trong tháng tiếp theo từ tài khoản của Hải chuyển sang.

Năm 2013, Hải quen biết với Tú, Tiến và Lực trong buổi hội thảo về tin học. Bị thuyết phục trước màn thuyết trình của Hải về công cụ adrocket, nhóm của Tú đã đầu tư 40 triệu đồng mua máy chủ, xây dựng các trang web như: soundfest.com.vn và clickdi.com để phát tán các ứng dụng. Ngoài ra, khoảng tháng 2/2014, Hải còn giới thiệu với Tú, Tiến và Lực công cụ adrocet có thêm chức năng không cảnh báo (trừ tiền ngầm) khách hàng để tăng doanh thu với mức phí 15.000 đồng/lượt.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ tài liệu do Công ty TNHH 1Pay cung cấp. Theo đó, từ tháng 12/2013 – 4/2014 đã có hơn 100.000 lượt thuê bao điện thoại trên cả nước bị chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Trong số tiền hưởng lợi bất chính này, Hải được trả hơn 850 triệu đồng. Còn Tú, Tiến và Lực được hưởng lợi hơn 300 triệu đồng.

Tại cơ quan công an, Hải khai nhận, đã sử dụng số tiền còn lại trả cho các thành viên trên trang web. Còn Tú, Lực và Tiến khai, dùng tiền vào việc chạy quảng cáo để phát triển ứng dụng. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng xác định, tính đến thời điểm Hải đưa công cụ adrocket có thêm chức năng trừ tiền ngầm cho Tiến, Lực và Tú đã có hơn 4.050 tin nhắn phát đi từ ứng dụng lừa đảo này với tổng số tiền là hơn 60,7 triệu đồng.

Tại phiên xét xử, Hải và đồng phạm đã thừa nhận hành vi phạm tội như đã nêu. Căn cứ lời khai của 4 đối tượng trên tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Ngọc Hải 18 tháng 15 ngày tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản”. Cùng hành vi trên, bị cáo Nguyễn Văn Tú, Hà Xuân Tiến lĩnh án 18 tháng tù. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Lực nhận mức án 16 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cảnh báo người dùng

Trước những vụ việc tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng như hiện nay, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường điện thoại di động trong thời gian qua, nhất là dòng điện thoại thông minh đã kéo theo tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản (cụ thể là tiền) trên điện thoại di động cũng ngày càng tinh vi hơn. Ngoài hình thức lừa đảo qua tin nhắn thì hiện nay, các ứng dụng trên điện thoại thông minh thường bị đối tượng xấu cố ý chèn mã độc hoặc chỉnh sửa tiện ích của ứng dụng nhằm mục đích kiếm tiền như vụ việc nêu trên.

Do đó, để phòng tránh bị mất tiền oan bởi các thủ đoạn lừa đảo khi tải ứng dụng về điện thoại, người dùng chỉ nên tải ứng dụng phổ biến từ các trang web chính thức hoặc các cửa hàng ứng dụng, không nên tải về từ các nhà cung cấp ứng dụng bên thứ ba hoặc từ các nguồn không rõ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối với các nhà mạng, các công ty dịch vụ đầu số vì lợi nhuận đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần