Phù phép bê tông thành hàng chục cuộn thép thế chấp ngân hàng

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của ba ngân hàng lớn. Thủ đoạn của các bị cáo là đúc bê tông giả làm những cuộn thép không gỉ rồi thế chấp tài sản tại các ngân hàng.

Đúc bê tông giả thép để thế chấp
Theo đó, các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1973, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội); Đào Thị Liên (SN 1974, trú tại phường Nguyễn Du, TP Nam Định, tỉnh Nam Định và Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1981, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Cáo trạng thể hiện, năm 2003, Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại và cơ khí Mạnh Hùng thành lập gồm 2 cổ đông là nguyễn Mạnh Hùng là giám đốc, Nguyễn Mạnh Hồng (em trai Hùng). Công ty kinh doanh theo mô hình thuê nhân công thị trường, hoạt động không có kế toán trưởng, thủ kho, thủ quỹ. Công ty có ba kho hàng hóa. Năm 2010, Hùng thành lập thêm 2 công ty là Công ty TNHH cơ kim khí Việt Nam và nhờ Đào Thị Liên là giám đốc kiêm kế toán và Nguyễn Thị Thanh Xuân (em gái Hùng) đứng danh Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế tạo thiết bị môi trường Việt Nam.
 Ba bị cáo tại phiên tòa ngày 10/1.

Sau đó, Hùng sử dụng tư cách 2 pháp nhân trên để đăng ký con dấu, in hóa đơn giá trị gia tăng, mở tài khoản tại các ngân hàng. Thực tế hai công ty trên không có việc góp vốn, không có hoạt động kinh doanh, không có hàng hóa. Mọi hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế đều do Hùng đứng ra điều hành và quản lý con dấu.
Hùng lập hồ sơ vay vốn của Ngân hàng thương mại CP Bảo Việt (BaoVietbank), Ngân hàng thương mại CP Nam Á (NamAbank) và Ngân hàng thương mại CP Phát triển nhà TPHCM (HDbank). Để được cấp hạn mức tín dụng và vay vốn, Hùng dùng tài sản thế chấp là bất động sản của bên thứ ba; hàng hóa là thép không gỉ inox dạng cuộn nguyên đai, nguyên kiện (mới 100%).
Các bị cáo đã lập khống các hợp đồng kinh tế mua bán inox giữa Công ty Mạnh Hùng và 2 công ty ma nói trên. Và để có hàng hóa làm tài sản thế chấp, Hùng thuê nhân công lao động thời vụ làm ra 87 cục bê tông có hình dạng giống các cuộn thép, bên trong là bê tông đúc, bên ngoài được bọc thép đóng đai, đóng kiện.
“Qua mặt” ngân hàng chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng
Hùng tự in tem xuất nhập khẩu có ghi thông số và dán lên các cục bê tông giả thép không gỉ, chứa ở kho của Công ty Mạnh Hùng thể hiện việc mua bán. Khi Hùng nộp hồ sơ vay vốn, cả ba ngân hàng đều cử cán bộ thẩm định số “thép không gỉ”  nhưng đều không phát hiện đó là giả. Thậm chí, các ngân hàng còn thuê cả bảo vệ xuống trông số bê tông này.
Hùng sử dụng các dấu khắc sẵn và chuyển cho Liên, Xuân ký để rút tiền. Ngoài ra, Hùng cũng ký hợp đồng mua bán thép không gỉ với một số công ty khác như Công ty TNHH công nghiệp và thương mại Quyết Thắng, Công ty CP cơ khí thương mại Đại Việt.
Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2011 - 2012, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 31 tỷ đồng. Trong đó BaoViet bank bị lừa gần 20 tỷ, NamAbank bị lừa hơn 7,6 tỷ và HDbank bị lừa hơn 3,4 tỷ… Từ ngày 23/9/2011 - 5/3/2012, Nguyễn Mạnh Hùng dùng thủ đoạn gian dối tự tạo ra 47 cục bê tông giả thép inox thế chấp vay tiền ngân hàng số tiền 19,9 tỷ đồng và chiếm đoạt. Tương tự, từ ngày 18/11/2011 đến 18/1/2012, Hùng sử dụng 29 cục bê tông giả thép thế chấp cho NamAbank thông qua 4 khế ước nhận nợ vay số tiền 7,6 tỷ đồng. NamAbank thuê công y TNHH dịch vụ bảo vệ Minh Đức bảo vệ hàng hóa, tài sản thế chấp của Công ty Mạnh Hùng. Từ ngày 15/7/2011 đến 3/8/2011, Hùng sử dụng 11 cục bê tông giả thép inox thế chấp cho HDbank vay số tiền 3,4 tỷ đồng. Công ty Mạnh Hùng mới thanh toán 1,2 tỷ đồng.
Ngày 3/3/2013, BaoVietbank nhận được thông báo từ công ty bảo vệ phát hiện số cuộn thép trong kho không còn, chỉ còn lại 5 cuộn nhỏ và nhiều ống bê tông giống cuộn inox, không có bao bì. Ngân hàng trình báo công an, phát hiện nhận tài sản giả, HDbank và NamAbank cũng tiến hành báo công an...
Tại cơ quan điều tra, Hùng khai nhận, năm 2010, do sản xuất kinh doanh sút kém, Công ty không có vốn sản xuất, để đáo hạn, tất toán các khoản vay, Hùng phát hiện quy trình sơ hở trong việc kiểm tra tài sản thế chấp là cán bộ tín dụng không mở bao bì các cuộn thép chỉ kiểm tra bằng mắt thường, nên nảy sinh ý định lừa đảo.
Đối với cán bộ thẩm định “thép” của 3 ngân hàng nói trên, CQĐT cho rằng họ đã không phát hiện được số bê tông khiến ngân hàng thất thoát vốn. Tuy nhiên, hành vi của họ không phải nguyên nhân trực tiếp nên không cần xử lý hình sự.
Qua quá trình xét xử, ngày 10/1/2017, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, lời khai tại Tòa của bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX có đủ cơ sở để khẳng định Nguyễn Mạnh Hùng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nghị án xong, HĐXX TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng lĩnh án tù chung thân; Đào Thị Liên 7 năm 6 tháng tù và Nguyễn Thị Thanh Xuân 8 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần