Thủ đoạn tinh vi của nhóm tạo video, hình ảnh nhạy cảm tống tiền xuyên biên giới
Lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra nhóm tội phạm xuyên biên giới dựng kịch bản lừa nạn nhân quay video, hình ảnh nhạy cảm để tống tiền.
Chia vai tổ chức tống tiền
Ngày 13/7, trao đổi với Báo Lao Động, Đại tá Lê Văn Hóa - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng chức năng đang phối hợp Bộ Công an và công an các tỉnh mở rộng điều tra tổ chức tội phạm xuyên biên giới chuyên tạo hình ảnh, video nhạy cảm để cưỡng đoạt tài sản.

Các đối tượng có liên quan trong tổ chức tội phạm xuyên biên giới nhắm vào người Việt để tống tiền. Ảnh: Công an Quảng Trị
Theo Công an tỉnh, tổ chức tội phạm này có khoảng 150 đối tượng do các đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu, đặt căn cứ tại khu Kimsa3, TP Bavet, tỉnh Svay Riêng (Campuchia).
Từ đầu năm 2025, Công an tỉnh Quảng Bình (cũ) - nay là Công an Quảng Trị - đã xác lập chuyên án. Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trực tiếp chỉ đạo phá án từng phần. Đại tá Lê Văn Hóa được giao làm Trưởng ban chuyên án, cùng nhiều cán bộ trinh sát phối hợp công an các tỉnh phía Nam, Công an Hà Tĩnh và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đấu tranh.
Chỉ trong giai đoạn đầu, từ ngày 26/2 đến 3/3/2025, Ban Chuyên án đã triệu tập, đấu tranh 15 đối tượng liên quan tại các tỉnh phía Nam, Hà Tĩnh, đồng thời vận động 5 đối tượng khác ra đầu thú.
Qua đấu tranh, công an xác định tổ chức này chia thành nhiều bộ phận có vai trò rõ rệt: bộ phận “Tìm kiếm thông tin mục tiêu” thu thập dữ liệu cá nhân; bộ phận “Nuôi khách” tạo quan hệ, thu hình ảnh; bộ phận “Tạo video nhạy cảm” cắt ghép, chỉnh sửa; bộ phận “Tống tiền” đe dọa cưỡng đoạt; và bộ phận “Rửa tiền” vận hành hàng chục tài khoản ngân hàng không chính chủ để hợp thức hóa dòng tiền.
Thủ đoạn tinh vi
Trung tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Phòng An ninh mạng, Phó Trưởng ban Chuyên án cho biết, các đối tượng thường mua dữ liệu cá nhân hoặc tra cứu công khai trên cổng thông tin, mạng xã hội. Chúng lập hàng loạt tài khoản giả mạo, giả danh phụ nữ đơn thân, nhan sắc nổi bật, rồi chủ động kết bạn Zalo, Facebook để dẫn dụ nạn nhân trò chuyện, chia sẻ thông tin, hình ảnh riêng tư.
Khi đã có đủ hình ảnh, video, chúng dàn dựng kịch bản ép nạn nhân quay video nhạy cảm, sau đó gửi clip, đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ phát tán cho gia đình, cơ quan, bạn bè. Nhiều bị hại vì lo sợ ảnh hưởng danh dự, công việc nên chấp nhận gửi hàng trăm triệu đến nhiều tỷ đồng.
Giai đoạn tiếp theo, Ban Chuyên án phối hợp cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Campuchia và Tổng cục Cảnh sát Bộ Nội vụ Campuchia để phá sào huyệt chính của băng nhóm.
Lãnh đạo Công an tỉnh và các trinh sát nhiều lần sang Campuchia họp bàn, xác minh, thu thập thông tin. Tại tòa nhà số 16, khu Kimsa3, công an xác định có hơn 100 đối tượng đang hoạt động. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại TP Bavet rất phức tạp, việc tiếp cận và bắt giữ gặp nhiều trở ngại.
Từ ngày 6 đến 7/4/2025, Công an tỉnh phối hợp lực lượng chức năng Campuchia tổ chức triệu tập, bắt giữ các đối tượng. Do nhiều lý do nghiệp vụ, phía Campuchia trực tiếp triển khai bắt, sau đó giao 3 đối tượng cho Công an Việt Nam tiếp nhận gồm: Tẩn Quang Huy (SN 2005), Tấn Tuấn Anh (SN 1999, trú Lào Cai) và Vũ Đình Nhân (SN 1997, trú Ninh Bình).
Qua điều tra, Ban Chuyên án làm rõ thủ đoạn rửa tiền tinh vi của ổ nhóm này. Khi nạn nhân chuyển tiền, chúng sử dụng nhiều tài khoản trung gian, tài khoản doanh nghiệp để che giấu nguồn gốc, rồi quy đổi sang tiền điện tử USDT. Trong số 20 tài khoản của các đối tượng sử dụng nhận tiền của bị hại, xác định 11/20 tài khoản có tổng giao dịch tiền chuyển đến gần 300 tỷ đồng.
Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình (cũ) đã khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, khởi tố 25 bị can cùng tội danh và 1 bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo "bắt cóc online” qua Zalo
Kinhtedothi - Mới đây, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa giải cứu thành công nữ sinh năm 3 của một trường đại học bị nhóm tội phạm "bắt cóc online" qua mạng xã hội.

Hà Nội: Cảnh báo lừa đảo khi tham gia đầu tư trên sàn giao dịch vàng quốc tế
Kinhtedothi - Trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo chiêu trò lừa đảo của các đối tượng mời chào tham gia đầu tư các sàn giao dịch vàng quốc tế. Nhiều người dân đã trở thành nạn nhân, mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng vì tin vào những lời mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận trên mạng xã hội.

Cảnh báo lợi dụng sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính để lừa đảo
Kinhtedothi - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian gần đây, đã xuất hiện hiện tượng một số đối tượng xấu đã lợi dụng thông tin về việc các địa phương hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh nhân viên điện lực yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.