Thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng: Hành vi đáng lên án

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến các trường hợp thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng, luật sư nhận định, đây là hành vi man rợ, gây phẫn nộ trong dư luận cần phải xử lý nghiêm minh.

 Khẩu trang y tế đã qua sử dụng được phát hiện tại một cơ sở thu gom phế liệu ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lao Động
Mới đây, ngày 28/2, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã kiểm tra một cơ sở thu mua phế liệu có địa chỉ tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở này chứa khoảng 2 tấn khẩu trang y tế đã qua sử dụng được đựng trong nhiều bao tải. Trong số này có khẩu trang dính vết bẩn, nhàu, không có bao bì, một số ít khác còn nguyên nhãn mác của công ty. Chủ nhân số lượng khẩu trang y tế bị phát hiện là ông Sỹ Nhộc Pẩu (SN 1971), làm nghề thu mua phế liệu. Với số lượng khẩu trang y tế đã qua sử dụng nhiều như vậy, đơn vị xử lý rác thải môi trường đang phải mang lên nhà máy xử lý rác thải tại Đồng Nai để xử lý theo quy định.
Trước đó, chiều 19/2, Công an huyện Sóc Sơn phát hiện bên trong ngôi nhà tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cất giấu 620kg khẩu trang y tế, găng tay y tế, mũ đã qua sử dụng. Người thu gom số khẩu trang, mũ, găng tay trên là Nguyễn Minh Nguyên (SN 1996; trú tại huyện Phổ Yên, Thái Nguyên). Toàn bộ số khẩu trang y tế, mũ trùm đầu và găng tay y tế đã qua sử dụng với khối lượng hơn 600kg này được đối tượng Nguyễn Minh Nguyên mua với giá 840.000 đồng. Sau khi bị triệu tập tại cơ quan công an, Nguyên phủ nhận việc tái chế khẩu trang để bán ra thị trường mà cho rằng chỉ mua về để nấu chảy lấy hạt nhựa. Hiện toàn bộ số khẩu trang đã qua sử dụng cùng các loại rác thải y tế đã bị cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy. Vụ việc đang được Công an huyện Sóc Sơn tích cực điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, trường hợp thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng thực sự là hành vi man rợ, gây phẫn nộ cho tất cả những người có lương tri và cần phải xử lý nghiêm theo quy định. Việc chứng minh đối tượng thu gom này vi phạm đến đâu và bị xử lý như thế nào cần phải đợi kết luận của các cơ quan chức năng. “Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, rất khó để xử lý hình sự đối tượng này bởi đây không thỏa mãn cấu thành một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đối tượng này mới chỉ thu gom mà chưa thu lời bất chính, chưa xảy ra hậu quả trên thực tế nên rất khó xử lý về mặt hình sự. Khẩu trang y tế không phải là thuốc chữa bệnh hay thuốc phòng bệnh nên không xử lý được đối tượng này theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” – luật sư Nguyễn Hữu Toại nhận định.
Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Hữu Toại, hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng cũng chưa thỏa mãn cấu thành của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự, vì hậu quả chưa xảy ra. Sau quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng kết luận chưa đến mức bị xử lý hình sự thì đối tượng thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng này có thể bị xử phạt hành chính về “hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải theo quy định” với mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.