Thu gom quản lý chất thải rắn: Gỡ bất cập trong khâu đấu thầu

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hà Nội đã dành nhiều tâm huyết cũng như nguồn lực kinh tế cho việc nâng cao năng suất thu gom, quản lý chất thải nói chung và chất thải rắn nói riêng. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý, đấu thầu thu gom rác thải sinh hoạt rắn… khiến hiệu quả đem lại chưa đạt như kỳ vọng.

Lực lượng chức năng thu gom rác thải trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Công Trình
Mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác thải rắn
Theo đánh giá của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, những năm gần đây, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt kết quả khả quan, đáp ứng được các nhiệm vụ đề ra, được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả của công tác quản lý rác thải, từ quý I/2017 đến nay, TP đã thay đổi phương thức quản lý duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) từ cơ chế đặt hàng sang thực hiện đấu thầu tập trung. Qua 3 lần tổ chức, đã đấu thầu được 26 gói thực hiện duy trì VSMT trên địa bàn TP…
Để kịp thời khắc phục các hạn chế còn tồn tại, mới đây, UBND TP đã yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, nước thải sinh hoạt... Chủ động nghiên cứu, bố trí hợp lý các điểm tập kết thu gom rác thải; duy trì thường xuyên việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ thu gom đạt 100%.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đã đạt 99 – 100%; tại các huyện đạt 87 – 88%. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn TP hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó, khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày và địa bàn 17 huyện ngoại thành là 3.000 tấn/ngày cơ bản đã được vận chuyển để xử lý.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc tổ chức thu gom rác thải rắn như: Việc thu gom tại các ngõ, ngách, khu vực kinh doanh, buôn bán ở đô thị chưa cao; Vẫn còn tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng vẫn diễn ra tại một số tuyến đường, tuyến phố thuộc các quận ven đô, các huyện trên địa bàn TP. Ngoài ra, việc bố trí các điểm tập kết xe rác, điểm cẩu tại các quận chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, thậm chí nhiều điểm còn gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị…

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Theo đánh giá của Ban Đô thị, để xảy ra tình trạng trên, ngoài việc ý thức của người dân còn hạn chế, chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, vẫn còn bất cập về cơ chế xây dựng định mức, đơn giá, giá dịch vụ, lựa chọn nhà thầu và thực hiện thanh, quyết toán các gói thầu. Cụ thể, đơn giá một số yếu tố đầu vào nguyên, nhiên vật liệu, nhân công… duy trì VSMT luôn có sự biến động tăng cao so với thực tế nhưng chưa kịp bổ sung kịp thời. Giá dịch vụ VSMT khu vực nông thôn (3.000 đồng/nhân khẩu) là thấp, chưa đáp ứng đủ cân đối kinh phí chi trả cho công tác duy trì. Ngoài ra, giá đấu thầu còn có hạn chế, thiếu sót, hồ sơ mời thầu không sát với thực tế, tại nhiều quận huyện khối lượng đăng ký mời thầu thấp hơn khối lượng thực tế… gây không ít khó khăn cho việc tổ chức quản lý VSMT.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Nguyên Quân – Trưởng ban Đô thị, HĐND TP cho biết, trong thời gian tới, Ban sẽ đề nghị các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường thu gom, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường. Đồng thời sẽ đề nghị UBND TP sớm xem xét giải quyết đề nghị của các địa phương về việc bổ sung kinh phí duy trì VSMT do phát sinh tăng khối lượng so với hồ sơ mời thầu; Chỉ đạo rà soát đơn giá và sớm ban hành giá dịch vụ VSMT trên địa bàn TP theo Thông tư 14/2007/TT – BXD ngày 29/12/2017 của Bộ Xây dựng và Đề án giá dịch vụ môi trường để tổ chức thực hiện…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần