Thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó có quy định tỷ lệ ăn chia giữa Nhà nước và tư nhân là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý Dự Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. "Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia" – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.
 Dự án đường Vành đai 2 trên cao. Ảnh: Công Hùng
Báo cáo của Chính phủ về tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP cho thấy, có 336 dự án PPP đã được triển khai, trong đó lĩnh vực giao thông có 220 dự án, năng lượng (xây dựng nhà máy điện) có 18 dự án, giáo dục có 6 dự án, hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải; xây dựng nhà ở tái định cư, hạ tầng ký túc xá...) có 32 dự án.
Dự Luật lần này quy định 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin). Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nguyên tắc là lĩnh vực nào DN làm được thì Nhà nước không cần làm, vì thế thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP là đúng.
Cho ý kiến về Dự Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một Dự Luật khó, vừa phải bảo đảm quy định chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, vừa phải tạo ra cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực, các dự án quan trọng. Đặc biệt, về cơ chế "ăn chia", nhà đầu tư tư nhân khi tham gia đầu tư thì phải "lời ăn, lỗ chịu". Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và DN dự án PPP.
Theo đó, tỷ lệ chia sẻ rủi ro và lợi nhuận được xác định là 50 - 50%. Cụ thể, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, rủi ro chỉ được chia sẻ với điều kiện dự án bị tác động khi Nhà nước thay đổi chính sách, tức là lỗi thuộc về Nhà nước.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định chặt chẽ như vậy sẽ không có nhiều nhà đầu tư làm được, đề nghị Dự Luật phải đồng thời quy định chặt chẽ trách nhiệm của nhà đầu tư và Nhà nước. Đồng thời, cần có tư duy quy định cởi mở một số vấn đề trong Dự Luật và cần bảo đảm nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư.

Nên thành lập Bộ Thanh niên

Ngày 20/4, cho ý kiến kiến vào Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh làm sao luật này ra đời, phải có những công trình đầu tư công được Nhà nước giao cho thanh niên, vừa tạo việc làm vừa tạo điều kiện để thanh niên cống hiến, thể hiện khả năng, vai trò xung kích của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời kỳ này thanh niên cần quản lý Nhà nước chứ không phải chỉ vận động mà không được quyết định, thanh tra hay kiểm tra... Tương lai cần có Bộ Quản lý và thể thao nên đưa về Bộ này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần