Thu hút đầu tư của Hà Nội: Một năm thành công

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cục Thống kê Hà Nội, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP năm 2016 đạt 277.950 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015.

Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước địa phương quản lý đạt 31.687 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ do tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2017, dù tốc độ có thể thấp hơn năm 2016.

Tăng cả lượng và chất

Năm 2016, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tới 50% tổng số DN đăng ký thành lập mới của cả nước. Trên địa bàn Hà Nội có tới trên 23.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng hơn 19% so với năm 2015, với tổng vốn đăng ký hơn lên 204.000 tỷ đồng, tăng 42%. Hà Nội đã thu hút và triển khai 98 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 4,8 tỷ USD, giá trị đã ký kết là 3,2 tỷ USD, đã giải ngân 1,05 tỷ USD, đạt 33,38% giá trị đã ký kết và 22,1% giá trị cam kết. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các dự án ODA là lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị (56%) và cấp, thoát nước, xử lý nước thải (31,8%).

Đặc biệt, năm 2016, lần đầu tiên kể từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2018, Hà Nội đã quay trở lại vị trí tỉnh, TP trực thuộc T.Ư dẫn đầu cả nước trong quý I, đứng thứ hai trong xếp hạng cả năm 2016 về kết quả có dự án FDI đăng ký nhiều nhất cả nước (1.922,8 triệu USD, chiếm 12,7%...).

Kiểm tra kỹ thuật bảng điện tử trước khi lắp ráp tại Công ty Meiko, khu Công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải

Ngoài dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (227 triệu USD), lĩnh vực viễn thông - Công ty Vietnamobile đã tăng vốn (208 triệu USD)…, thì Dự án Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) vốn FDI đăng ký 300 triệu USD của Tập đoàn Samsung đã được cấp phép năm 2016 và sẽ triển khai trong thời gian tới là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế Thủ đô. Những dự án như vậy không chỉ cho phép Hà Nội nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về vốn đăng ký mới, mà còn khẳng định thuyết phục trên thực tế định hướng tái cơ cấu kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng của Thủ đô đang và sẽ chuyển mình phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng công nghệ cao và bền vững… Việc hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới – Apple (Mỹ) đã công bố ý định đầu tư dự án quy mô 1 tỷ USD tại Hà Nội để xây dựng trung tâm R&D phục vụ các công đoạn nghiên cứu cho khu vực châu Á là một cơ hội mới cho Thủ đô theo hướng này.

Những kết quả thu hút đầu tư mà Hà Nội có được là hội tụ những điều kiện và nỗ lực của TP. Hà Nội có lợi thế vượt trội so với cả nước về không chỉ là vị thế Thủ đô, mà còn có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ và hiện đại, nhiều cơ quan đầu mối và cơ sở giao thông quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia..., lại được T.Ư đặc biệt quan tâm hỗ trợ toàn diện và có Luật Thủ đô, với nhiều không gian chính sách và cơ chế đặc thù về kinh tế, tài chính. Năm 2016, Hà Nội có chỉ số PCI xếp thứ 24/63, tăng 2 bậc so với năm trước.

Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai kế hoạch thực hiện đăng ký qua mạng 100% đối với 12 thủ̉ tục hành chính không phải nộp phí (thay đổi thông tin người quản lý DN; thay đổi nội dung đăng ký thuế; bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký DN…). Cùng với đó, thời gian giải quyết một hồ sơ đăng ký DN cũng rút ngắn còn 2 ngày và thời gian để nhận kết quả chỉ thực hiện trong 2 giờ làm việc, từ khi cán bộ thụ lý nhận đủ hồ sơ của DN. Hướng tới nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại và bảo đảm sự hài lòng của người dân, Hà Nội liên tục tăng số lượng thủ tục hành chính đăng ký qua mạng, chủ động rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng cho các nhà đầu tư, DN…

Tiếp tục cách làm mới, sáng tạo và quyết liệt

Năm 2017 đã được TP chọn là “Năm kỷ cương hành chính” nhằm tạo chuyển biến trong tác phong, lề lối, thái độ phục vụ Nhân dân của cơ quan công quyền, cũng như nâng cao ý thức toàn xã hội, xây dựng Thủ đô văn minh, với mục tiêu xuyên suốt và tổng quát là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường phòng chống tham nhũng, nhằm đạt tốc độ tăng GRDP đạt 8,5 - 9,0%; GRDP bình quân đầu người từ 86 - 88 triệu đồng/năm; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ 11 - 12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 4 - 5%.

Đặc biệt, để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn bên ngoài, Hà Nội đang và sẽ thực hiện đổi mới toàn diện và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian trả kết quả, cũng như số lần người dân và DN đi lại.

Năm 2017 sẽ là năm chuyển động mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn cả về nhận thức và hành động của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng DN và người dân trên địa bàn Thủ đô nhằm kiến tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế TP cả về lượng và về chất, tăng hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và tập trung sâu hơn vào những lợi thế so sánh mà Hà Nội sở hữu, nhất là yếu tố thể chế và con người…; đẩy mạnh xã hội hóa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong nước; tạo hấp dẫn thu hút vốn đầu tư quốc tế, nhất là từ các tập đoàn trong top 500 công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, sao cho nhiều hơn và có hiệu quả, chất lượng cao hơn và với cơ chế thông thoáng, khuyến khích hơn; Chủ động hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng khu công nghiệp, gắn với việc lấp đầy diện tích bằng dự án FDI được lựa chọn và xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng điểm. Kiên quyết nói không với những dự án gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng và tài nguyên. Đồng thời, kiên trì và linh hoạt trong định hướng, hỗ trợ các khu công nghiệp mới phát triển theo hướng chuyên ngành và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, vừa có nhà máy sản xuất sản phẩm cuối cùng, vừa có DN công nghiệp hỗ trợ.